Ngày đầu giãn cách xã hội ở An Giang

16/07/2021 - 06:09

 - Ngày đầu tiên áp dụng chủ trương mở rộng phạm vi giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt chỉ thị 16), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã vượt qua một cách bình tĩnh, nghiêm túc. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của toàn tỉnh trong việc sự lây nhiễm, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Người dân ở nhà, địa phương chống dịch

Theo Công văn 694/UBND-KGVX của UBND tỉnh, kể từ 0 giờ, ngày 15-7 đến hết ngày 25-7-2021, An Giang bước vào “trận chiến” mới, với quyết tâm mới. Trong “trận chiến” 10 ngày này, người dân chỉ cần thực hiện một nhiệm vụ quan trọng: ở nhà, chỉ ra đường khi cần thiết. Mọi sinh hoạt, thực hiện phương án phòng, chống dịch, đã có toàn hệ thống chính trị gánh vác.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo An Giang, trong ngày đầu tiên (15-7) thực hiện chỉ thị 16, việc hạn chế tập trung đông người nơi công cộng được thực thi nghiêm túc. Những địa điểm cung cấp lương thực, thực phẩm vẫn mở cửa bán bình thường để phục vụ nhân dân, hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị dồi dào, giá cả bình ổn. Các cơ sở thờ tự, tôn giáo đều đóng cửa để phòng, chống dịch. Đặc biệt, các hộ gia đình phải tự cách ly tại nhà đều được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã gắn bảng “Địa điểm cách ly tại nhà” để cộng đồng dân cư cùng giám sát.

Kiểm soát chặt người và phương tiện lưu thông. Ảnh: TRUNG HIẾU

An Phú là huyện có số ca nhiễm COVID-19 khá cao, với tổng số 66 ca liên quan chuỗi lây bệnh từ bệnh nhân L. (thị trấn Long Bình) và trường hợp về từ vùng dịch, nhập cảnh trái phép… Chính vì thế, địa phương tăng cường tuyên truyền người dân đeo khẩu trang và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết: “Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt. Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Trung ương và các bộ, ngành có liên quan về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục điều tra, truy vết các đối tượng có liên quan các ca dương tính trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19””.

Tương tự, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tịnh Biên yêu cầu Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý với các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Đồng thời, tiếp tục làm tốt việc quản lý khai báo y tế, cách ly tại nhà đối với những trường hợp về từ vùng dịch, tổ chức truy vết thần tốc khi trên địa bàn có liên quan đến F1, F0.

Tại TP. Long Xuyên, đến 15 giờ, ngày 15-7, lực lượng chức năng đã kiểm tra 406 cơ sở kinh doanh, 2.270 phương tiện các loại. Qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính 64 trường hợp, buộc quay đầu xe 219 trường hợp; nhắc nhở, cho cam kết 858 trường hợp, 150 cơ sở đóng cửa hoặc dừng hoạt động do đoàn kiểm tra nhắc nhở.

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”

Thực hiện Chỉ thị 16, hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đều chấp hành, sắp xếp giảm quy mô sản xuất, một số DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” (ăn, làm việc, ở lại tại chỗ cho công nhân lao động). Trong đó, Tập đoàn Sao Mai, nhân viên văn phòng làm việc luân phiên, thực hiện thông điệp “5K”. Đối với nhà máy tại cụm công nghiệp Sao Mai (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), công ty bố trí cho 1.000 lao động thường trú tại An Giang và các tỉnh lân cận làm việc, ăn, ngủ, nghỉ tại công ty.

Các nhà máy của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang hoạt động bình thường, đảm bảo “3 tại chỗ”. Nhà máy Bình Long ở trong khu vực cách ly, có khoảng 100 công nhân tình nguyện ở lại nhà máy sản xuất. Công ty bố trí chỗ ăn, nghỉ đầy đủ cho công nhân. Chế độ ăn sáng, trưa, chiều, tối đầy đủ. Các DN quy mô nhỏ vẫn làm việc bình thường, bố trí chia nhóm cho lao động làm việc: 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ và vẫn giữ nguyên lương của người lao động.

Nhiều siêu thị lớn trên địa bàn TP. Long Xuyên đóng cửa. Ảnh: THANH HÙNG

DN cho biết, hiện gặp một số khó khăn, như quy mô công ty không đủ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho công nhân. Ngoài ra, do phải đi qua các chốt kiểm dịch, lượng công nhân đông nên bị ùn tắc, ảnh hưởng thời gian đến làm việc. DN đề nghị ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện cho công nhân di chuyển từ nhà đến công ty làm việc và công ty có bản xác nhận theo mẫu hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang (CDC An Giang). Bên cạnh đó, DN rất cần có hướng dẫn cho xe hàng hóa của công ty, nhất là những công ty từ các huyện đến TP. Long Xuyên cần có những thủ tục gì.

Ấm áp tình người

Điều mọi người lo lắng nhất là đời sống cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn sẽ ngày càng khó khăn hơn trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chuyện đó đã không xảy ra. Mỗi xã, phường, thị trấn tìm cách đảm bảo an sinh xã hội, chuyển dịch mô hình “Gian hàng 0 đồng” sang “Chuyến xe 0 đồng” để mang thực phẩm, nhu yếu phẩm đến với người khó khăn, không cần họ phải ra khỏi nhà. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” trao tặng 200kg gạo, 5 thùng nước tăng lực, rau, củ, trái cây các loại, với khẩu hiệu “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”.

UBMTTQVN huyện - Ban vận động quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Châu Phú đã kêu gọi các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được cách ly và các đối tượng được hỗ trợ khác. Tính đến ngày 14-7, huyện đã tiếp nhận và vận động được trên 3,3 tỷ đồng bao gồm tiền mặt và hiện vật. Huyện đã thực hiện hỗ trợ gần 1,7 tỷ đồng cho 2.823 lượt hộ dân và 15 chốt kiểm soát, 1 hậu cần, 8 khu cách ly.

Tin chắc rằng, cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN