Theo tờ Space, Trái Đất vừa và sẽ trải qua những ngày bị quấy nhiễu liên tục bởi ngôi sao mẹ đang trong thời kỳ bùng nổ.
Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) vừa xác nhận Mặt Trời của chúng ta vừa phun ra một ngọn lửa cấp X2.2, tức thuộc loại mạnh nhất vào lúc 2 giờ 38 phút rạng sáng 18-2 (giờ Việt Nam), đạt cực đại trong 48 phút sau đó.
Ngọn lửa mạnh nhất cấp X2.2 vừa được ghi nhận - Ảnh: SDO/NASA
Ngọn lửa hóa thành một quả pháo sáng hạng nặng và một giờ sau khi bùng phát đã ập vào từ quyển của Trái Đất, tạo thành bão địa từ (bão Mặt Trời), gây ra mất điện vô tuyến sóng ngắn ở tần số dưới 30 MHz. Vì vậy, nó chính là thủ phạm của vụ mất điện vô tuyến được ghi nhận một số nơi trên Trái Đất cùng ngày. Ước tính sự cố kéo dài tới 1 giờ 12 phút.
Đây là ngọn lửa mạnh nhất kể từ khi Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA ghi nhận ngôi sao này liên tục xuất hiện các vết lóa vài ngày trước, bao gồm một vết lóa cấp X1.1 hôm 11-2.
Những cơn bão địa từ từ một số vết lóa này cũng là thủ phạm của cực quang ghi nhận ở nhiều bang nước Mỹ liên tục từ ngày 16-2 đến 18-2 vừa qua.
Thế nhưng sự việc chưa dừng lại. Mặt Trời vẫn đang tiếp tục lóa sáng từ một vết đen đang hướng thẳng tới Trái Đất.
Trang dự báo thời tiết không gian của NOAA cho biết trong ngày 20-2 sẽ có thêm một cơn bão địa từ loại G1 ập vào Trái Đất, thủ phạm là quả pháo sáng khác. Trong cùng ngày, Trái Đất sẽ hứng thêm một quả cầu lửa hạng nặng gọi là "vụ phóng khối lượng đăng quang", thường theo sau các quả pháo sáng và là một khối plasma khổng lồ.
Vì vậy tối 20-2, bầu trời phương Bắc của Trái Đất sẽ tiếp tục "bùng cháy" trong cực quang, có thể rất sáng vì kẻ tấn công lần này là một quả cầu lửa, ước tính đang lao đến hành tinh của chúng ta với vận tốc 1 triệu dặm/giờ.
Theo ANH THƯ (Báo NLĐ)