Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12): Việt Nam đang ở đâu trong mục tiêu 95-95-95?
02/12/2024 - 14:46
Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), Ths. Nguyễn Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay.
AA
Các tổ chức dựa vào cộng đồng hướng dẫn người dân dự phòng và điều trị HIV. Ảnh: Tạ Nguyên
Với các mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đang ở đâu và đã đạt được những kết quả gì trong kiểm soát dịch, thưa ông?
Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Đến nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhất là trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục; nhất là ở nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%).
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
So với mục tiêu 95-95-95, Việt Nam đang phấn đấu và đã đạt được từng chỉ tiêu cụ thể: 87% người biết tình trạng nhiễm HIV; 79% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Để đạt các mục tiêu đã đề ra, công tác phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ, có trọng điểm. Trong năm 2024, việc giám sát ca bệnh được triển khai đồng bộ tại 63/63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống HIV-INFO 4.0. Đã có 100% người nhiễm HIV được quản lý trên hệ thống HIV-INFO 4.0.
Việc giám sát trọng điểm HIV triển khai tại 20/63 tỉnh thành phố theo Quyết định số 64/QĐ-AIDS về việc ban hành Hướng dẫn địa bàn, đối tượng, phương pháp chọn mẫu và quy trình tổ chức triển khai giám sát trọng điểm. Các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng. Toàn quốc hiện có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: Tuyến Trung ương có 31 phòng; tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân có 4 phòng xét nghiệm.
Việc xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố. Kết quả nhiễm mới HIV nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả này cung cấp dữ liệu cấp độ quần thể về nhiễm mới HIV để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng.
Việc đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV đã được triển khai tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng. Việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Tăng tỷ lệ chuyển gửi điều trị ARV thành công, tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới.
Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống phần mềm báo cáo Thông tư số 05 xuống các tuyến tỉnh/huyện/xã. Số liệu báo cáo được cập nhật đầy đủ định kỳ theo quý, chất lượng số liệu được cải thiện và nâng cao, số liệu báo cáo được sử dụng thường xuyên trong việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoat động quản lý điều hành và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS được tích cực triển khai. Kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 – 2030 đã được triển khai đồng bộ.
Công tác phòng chống HIV của Việt Nam còn khó khăn, vướng mắc gì để có thể đạt được các mục tiêu như đề ra, thưa ông?
Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV là cách tiếp cận mới, đòi hỏi sự chủ động của địa phương. Tính linh hoạt trong lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch để đáp ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, hiện vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho người dân.
Vì vậy, năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS", thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS, mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.
Thưa ông, trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, Bộ Y tế đã có phương án gì để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?
Bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm Ngân sách địa phương, Nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), ngân sách Trung ương, thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay, các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%.
Để tiếp tục tăng tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước, Bộ Y tế tiếp tục tập trung huy động ngân sách địa phương; đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS làm hành lang pháp lý cho việc cho việc lập dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương; tiếp tục đôn đốc và hỗ trợ các địa phương chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 tiếp tục trình hoàn thiện và phê duyệt.
Thời gian qua, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển giao chương trình điều trị ARV sang nguồn quỹ BHYT. Đến nay, Quỹ BHYT đã chi trả tới 90% thuốc đàm phán giá. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đạt tới 96%.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5-7% bệnh nhân đang điều trị từ khu vực tư nhân do không muốn lộ danh tính. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tăng độ bao phủ BHYT và đảm bảo quỹ BHYT chi trả đầy đủ cho người nhiễm HIV theo quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Bộ Y tế cũng đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích cho việc tăng cường khu vực tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân lên tới 10% năm 2025 và 15% năm 2030. Tiếp tục hoàn thiện khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức kinh tế kỹ thuật cập nhật để thu phí một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: