Ngày và đêm canh gác biên cương

05/06/2021 - 10:15

 - Thời gian gần đây, biên giới An Giang liên tiếp phát hiện các ca nhiễm COVID-19 và được cách ly ngay khi nhập cảnh, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới; không để sót lọt người xuất, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly. Đằng sau những thành công ấy là dáng hình, là mồ hôi, vất vả của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ - lá chắn dọc đường biên.

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm dịch y tế quốc tế duy trì thường xuyên 24/24 giờ ở hơn 200 tổ, chốt làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên biên giới. Ngày nối tiếp ngày, tất cả duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 3-6, lực lượng chức năng phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm COVID-19 nhập cảnh trái phép, được đưa đi cách ly tập trung tại huyện An Phú. Tính đến nay, số trường hợp nhiễm COVID-19 trong tỉnh An Giang là 16 trường hợp (15 trường hợp nhập cảnh trái phép, 1 trường hợp tái dương tính). 

Địa hình biên giới An Giang chủ yếu là đồng bằng, có sông và nhiều kênh, rạch, đường mòn qua biên giới, rất thuận tiện cho việc sản xuất, lưu thông qua lại biên giới. Do đó, các đối tượng thường lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu...

Địa hình đặc thù ấy buộc địa phương phải thường xuyên tăng cường quân số và lực lượng phối hợp cho các tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thượng úy Nguyễn Ngọc Vi (Công an huyện Chợ Mới), là 1 trong hơn 350 đồng chí được Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang tăng cường lên biên giới. Gần 3 tuần qua, anh dần quen với việc thực hiện nhiệm vụ mới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với những ngày đêm chia nhau canh gác địa bàn quản lý.

Khi thượng úy Nguyễn Ngọc Vi làm nhiệm vụ thì anh Bùi Chí Hùng (dân quân xã Khánh Bình) tranh thủ ngả lưng, chống chọi với buổi trưa hè oi bức. “Tôi mới tham gia nhiệm vụ ở tổ chốt được 2 ngày thôi. Dịch bệnh hoành hành, không đi làm ăn, nên tôi có thời gian rảnh. Thấy vậy, tôi tự nguyện ra chốt, tiếp sức với anh em chiến sĩ, chung tay bảo vệ quê hương mình” – anh bày tỏ.

Người dân địa phương xem cán bộ, chiến sĩ như người thân, có món quà quê đều mang đến tặng. Ông Đỗ Huy Hoàng (sinh năm 1982, ngụ tổ 1, ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, An Phú) vác buồng chuối cau vừa chín tới gửi anh em ở tổ, chốt phòng, chống dịch số 32 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình) “ăn lấy thảo”.

“Ở đây, bà con hay gửi bó rau, mớ cá, nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ, để động viên các anh làm việc, chia sẻ tình cảm gắn bó của bà con với bộ đội” – anh Hoàng cho biết. Anh cũng hứa, sẽ trở thành “tai, mắt”, sẵn sàng cùng lực lượng chức năng canh gác đường biên, báo cáo ngay khi phát hiện người lạ mặt xâm nhập địa bàn.

Thời khắc chuyển giao ngày và đêm, trong ánh chiều nhập nhoạng, cán bộ chiến sĩ quây quần dùng cơm. Bữa ăn chẳng bao giờ đông đủ, vì phải chia nhau luân phiên canh gác và sinh hoạt cá nhân, đảm bảo luôn luôn quản lý chặt biên giới. Họ khác nhau về tuổi tác, về đơn vị công tác, về quê quán, nhưng chung một nhiệm vụ thiêng liêng của người lính: giữ cho dân tộc, cho đất nước bình an, người dân khỏe mạnh.

Chúng tôi chỉ tác nghiệp ít giờ, mà chịu không xiết cảnh muỗi đeo bám, đốt đỏ người. Thời tiết thì nóng bức đến mức mồ hôi liên tục chảy dài, ướt đẫm sau lớp trang phục. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ phải trực chiến ở đây hết ngày này qua tháng nọ. Họ chống lại thời tiết bằng sức gió ít ỏi của những cây quạt điện nhỏ, bằng những khoanh nhang muỗi thế này.

Càng về khuya, trời càng tối đen, che phủ tất cả đường mòn nơi biên giới. Trước mặt những người lính là màn đêm sâu thẳm, xòe tay không thấy rõ ngón. Nương theo vài ánh đèn xa xa của nhà dân, của đèn pin cầm tay, của trang thiết bị chuyên dụng, họ thường xuyên quan sát động tĩnh, dấu hiện bất thường để kịp thời xử trí tình huống. Phía bên kia, đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm cũng “canh” lực lượng làm nhiệm vụ, lộ diện vào khung giờ thật khuya hoặc rạng sáng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ không thể lơ là nhiệm vụ, chủ quan sơ hở trong phút giây nào.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ được phân công canh gác rải rác theo chốt chính và chốt phụ để khép kín địa bàn. Họ liên lạc với nhau thông qua điện thoại di động, mạng xã hội, kịp thời thông tin khi có tình huống xảy ra. Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chốt trưởng Chốt phòng chống dịch số 32 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình) liên tục gọi điện thoại cho các đồng chí ở chốt gác khác, hỏi thăm tình hình và chỉ đạo công tác nghiệp vụ.

Chiến sĩ Trần Thanh Hào (Tiểu đoàn 511, Trung đoàn Bộ binh 892, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) mới vừa được điều động lên biên giới. Hào tâm sự: “Chúng tôi được quán triệt tinh thần nâng cao trách nhiệm hết mức, cùng các lực lượng khác thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Ở tổ, chốt, tôi được phân công nhiệm vụ nấu ăn, dọn dẹp và canh gác theo ca. Tôi không cảm thấy mệt mỏi, vì xác định đây là nhiệm vụ đất nước giao phó”.

Trước khi chia tay, Hào nhờ tôi chụp một tấm ảnh lưu niệm để gửi về cho người thân, bạn bè. Nụ cười tươi của người lính trẻ như sáng bừng trong đêm, như niềm tin về tương lai “không còn bóng giặc”, nhịp sống bình yên sẽ sớm trở lại với quê hương.

GIA KHÁNH