Phà Trà Ôn trực thuộc Xí nghiệp phà An Hòa (Công ty Cổ phần Phà An Giang). Tính chất công việc đặc thù, nên giờ giấc làm việc của người lái phà khá sít sao. Mỗi bến chia làm 3 kíp trực, mỗi kíp trực làm việc 12 tiếng liên tục; 3 kíp xoay vòng, thay phiên nhau trực 24/24 giờ, bất kể ngày lễ, Tết, ngày nghỉ... Cứ đúng ca trực là họ đi làm.
Ca làm việc ban ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng, kết thúc lúc 18 giờ. Ca làm việc đêm bắt đầu từ 18 giờ, kết thúc vào 6 giờ sáng hôm sau. Tùy vào quy mô của từng bến, công ty phân công loại phà cụ thể để phục vụ hành khách. Bến phà Trà Ôn được bố trí 4 chiếc phà, tải trọng 30 tấn/chiếc, 1 chiếc tải trọng 60 tấn. Mỗi phà do 2 người phụ trách (1 thuyền trưởng và 1 máy trưởng).
Phà chạy ngang sông, quãng đường ngắn, nhìn có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Suốt ngày, họ phải chạy rất nhiều tua. Mỗi lần ra vào bến gặp khó khăn hơn xuồng, ghe chạy trên sông, bởi phải canh mực nước, hướng gió sao cho hợp lý; thao tác tay, chân rất nhanh và chính xác mới đảm bảo an toàn cho hành khách.
Ông Tân Thanh Long nhận nhiệm vụ thuyền trưởng tại bến phà Trà Ôn hơn 10 năm nay. Ông Long chia sẻ: “Bản thân đã tích lũy kinh nghiệm rất nhiều trước khi được đơn vị giao nhiệm vụ lái phà, quản lý máy móc phương tiện. Người mới vào nghề, ít nhất 1-2 năm sau mới được lái phà. Trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, phải thường xuyên tập dợt dưới sự hướng dẫn của người đi trước”.
Vào những ngày lễ, Tết, lượng người qua lại các bến phà rất đông. Vì thế, công ty phải bố trí thêm nhân viên để phục vụ tốt nhất nhu cầu của bà con, tránh tình trạng ùn ứ. Do công việc rất áp lực nên đội ngũ nhân viên phà phải tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ “đưa khách sang sông” an toàn.
Hiện tại, phà Trà Ôn đang trong quá trình nâng cấp ponton, cùng lúc 2 bến phà Cần Xây và Xếp Bà Lý ngưng hoạt động, dẫn tới việc lưu lượng người và xe qua lại bến gia tăng. Vì vậy, đội ngũ làm việc ở bến phà càng phát huy tinh thần trách nhiệm, tranh thủ giải quyết lượng phương tiện qua lại trong thời gian sớm nhất.
Ông Đoàn Anh Quốc Huy (nhân viên bến phà) cho biết: “Công việc của chúng tôi là phục vụ, đưa đón bà con qua sông an toàn. Chúng tôi xem đó là niềm vui, nên dù công việc phải làm ngoài trời, ngày nắng, đêm mưa, có hôm gió lạnh... chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Tương tự, ông Huỳnh Công Tiến (nhân viên bến phà) trải lòng sau hơn 10 năm theo nghề: “Công việc khá vất vả đối với anh em “đội vượt sông”. Để chở khách an toàn, người phụ trách phải có kinh nghiệm, quan sát hướng gió, dòng nước, chạy đúng luồng lạch, ra vào bến hợp lý. Khi phà rời bến, thuyền trưởng là người chịu nhiều áp lực nhất, quyết định đưa ra phải chuẩn xác. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, không chỉ chịu trách nhiệm về tài sản công ty, tài sản của hành khách, mà còn chịu trách nhiệm cho tính mạng từng người.
Do vậy, đối với người lái phà, đức tính quan trọng nhất là sự cẩn thận. Phải chú ý quan sát liên tục, kịp thời xử lý tình huống, nhất là khi gặp ghe, tàu của người dân tham gia giao thông. Đặc biệt, vào ban đêm cần phải tập trung hơn ban ngày để đảm bảo an toàn cho phà ra vào bến. Mùa nắng còn đỡ, chứ vào mùa mưa, anh em rất vất vả. Mưa to, giông gió làm tầm nhìn bị hạn chế, nhiều lúc do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên phà phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn cho hành khách”.
Mỗi nhân viên bến phà đều có những kỷ niệm vui buồn khác nhau với nghề mình đã chọn. Tuy nhiên đối với họ, điều khiển phà vượt sông an toàn là niềm vui lớn nhất, mang đến cho họ sự tự hào và lòng yêu nghề nhiều hơn. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiều lúc những người lái phà còn tích cực tham gia ứng cứu phương tiện giao thông thủy khi gặp sự cố; đến hiện trường giúp đỡ, trục vớt người và phương tiện còn sót lại.
Rồi những lúc vắng khách, họ tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức cho những vượt sông sắp tới, có người đến gặp nhờ chạy phà liền vì có người thân đang bị bệnh, phụ nữ chuyển dạ sắp sinh... Những lúc đó, người lái phà vui vẻ thực hiện công việc, tạm gác sự mệt mỏi phía sau để đáp ứng yêu cầu cấp bách của người dân. Đối với họ, nụ cười và sự an toàn của người dân là động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.
“Niềm vui của người thuyền trưởng là đưa khách qua sông an toàn. Nghề này tuy vất vả, làm việc không theo giờ hành chính, nhưng chúng tôi thấy rất yêu nghề và muốn gắn bó công việc lâu dài. Chỉ mong sao, bản thân tôi và nhân viên phà có nhiều sức khỏe để phục vụ bà con tốt hơn” - ông Long bày tỏ.
|
ĐAN THANH