Từ sự vất vả….
Cứ đến 2 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Phụng (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang) lại trở dậy giở cơm mang theo để bắt đầu ngày lao động của mình. Gắn bó cùng cái “nghiệp” leo thốt nốt từ khi còn là chàng trai 16 tuổi, đến nay anh đã có 20 năm kinh nghiệm cho mình.
Anh cho biết, thốt nốt có thể cho nước quanh năm nhưng phẩm chất tốt nhất là vào mùa nắng, khi cái nóng râm ran thiêu đốt đất trời. Nhờ sự “gan lì” sẵn có đã giúp thốt nốt có thể trụ vững và kết tinh những dòng nước ngon ngọt cho đời.
Anh Phụng tâm sự: “Nghề leo thốt nốt vất vả lắm, người không quen không làm nổi. Mỗi ngày tôi phải leo đến 70 cây thốt nốt nên phải thức dậy từ khi gà chưa gáy sáng và trở về nhà khi đã tối mịt. Biết là cực nhọc nhưng do cuộc sống khó khăn nên tôi không ngại khó, ngại khổ. Nhờ đồng vô cũng đỡ nên gia đình tôi sống với cây thốt nốt từ trước tới giờ. Nó đã không phụ mình nên mình phải cố gắng để trang trải cuộc sống!”.
Leo thốt nốt là nghề “lấy công làm lời”
Nhiều năm nay, anh Phụng thuê thốt nốt của người khác để lấy nước. Ngày 2 bận, anh leo lên những thân cây trơn trụi để lấy thứ “mật” của đất trời ở tít trên cao. Do đó, anh Phụng phải đối mặt với đủ thứ hiểm nguy rình rập.
Anh Phụng chia sẻ, đã có người không may lâm vào cảnh “sinh nghề tử nghiệp”, bản thân anh cũng té mấy lần nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Vì thốt nốt không có cành nên người ta phải dùng một cây tre có nhiều mắc cặp vào thân cây như một chiếc thang dã chiến. Nếu chẳng may mắc tre bị mục thì sẽ rất nguy hiểm cho người leo.
“Biết là nguy hiểm nhưng cuộc sống buộc mình phải làm! Trước khi leo cây, tui hay van vái các vị thánh thần phù hộ cho mình và coi đó như niềm tin để gắn bó với công việc này. Đó là chưa kể đến chuyện phải đội đèn để leo cây khi trời còn tối mịt hay những khi gió giông làm ngọn thốt nốt giật đưa như võng, lúc kẹt trên đó tôi sợ vô cùng, cứ nghĩ mình sẽ không về được với gia đình” – anh Phụng trải lòng.
… đến sự lạc quan
Dù công việc có cực nhọc, nguy hiểm nhưng nụ cười vẫn nở trên môi của anh Phụng và những người làm nghề leo thốt nốt. Đó là lúc họ được thấy những giọt “mật” rỉ ra từ bông của loài cây này. Thứ nước thơm ngon đặc trưng ấy là kết tinh của đất, trời Bảy Núi ban tặng cho những con người cần lao, vất vả kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình.
Nhìn thành quả thu được, anh Phụng đã quên đi những lúc phải ăn cơm ngay tại gốc thốt nốt rồi nhanh chóng leo lên cho kịp lấy nước, hay thời điểm phải nhọc nhằm mưu sinh khi mọi người còn đang ngon giấc.
Thành quả thu được
Cũng theo nghề vất vả này, anh Trần Văn Tâm (ngụ xã An Phú, Tịnh Biên) phải lấy nước của 60 cây thốt nốt mỗi ngày. Những tháng mùa nắng, thốt nốt cho nước khá nên mỗi cây có thể thu được 4-5 lít, vì vậy anh Tâm cố gắng kiếm được nhiều nhất có thể.
Lượng nước thu được, anh Tâm bán cho những người kinh doanh nước giải khát với giá 5.000 đồng/lít, số còn lại nấu đường. Số đường nấu được gia đình anh đem cân lại cho các mối thu mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, tính ra cũng được 600.000 - 700.000 đồng/ngày trong những tháng cao điểm mùa khô. Bởi leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên anh Tâm không quản ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình.
Khi gặp tôi, anh Tâm khá cởi mở. Gương mặt đen sạm vì nắng gió lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi, đôi bàn tay chai sần, nứt nẻ như dấu chân chim cứ thoăn thoắt bám vào những cây tre đài để leo lên ngọn thốt nốt. Một chiếc xe máy cũ, vài chục chiếc bình đựng nước thốt nốt, 1 cây dao ngắn vắt sau lưng như kiểu đi rừng, đó là tất cả hành trang của 1 người đã gắn bó với nghề leo thốt nốt mấy chục năm trời.
Vì là “dân chuyên nghiệp” nên anh Tâm chỉ mất vài phút để phăng từ gốc lên đến ngọn cây. Muốn tiện việc di chuyển trên cao, anh Tâm bắc thêm những cây tre nối từ ngọn thốt nốt này sang ngọn kia để đỡ phí sức trong quá trình lấy nước. Đôi tay rắn rỏi, anh nhanh chóng rót số nước thu được vào can nhựa rồi tìm một cây khác để leo lên. Quá trình đó cứ lặp đi, lặp lại cho đến khi mặt trời khuất hẳn phía sau rặng thốt nốt xa xa, anh mới trở về nhà.
Lúc tạm biệt nhau, anh Tâm còn định rót một ít “mật” thốt nốt ra mời nhưng tôi từ chối, vì nghe đâu loại nước này có thể khiến người ta say như rượu. Nhìn theo bóng anh khuất dần dưới những hàng cây thốt nốt, tôi càng thêm trân quý những con người lao động hăng say để trang trải cuộc sống của mình. Và đáng quý hơn, anh còn mong mỏi sẽ lo cho các con ăn học nên người để không phải leo thốt nốt mưu sinh như đời ông, đời cha của chúng phải làm!
THANH TIẾN