Nghề quá vãng!

16/11/2024 - 08:12

 - Từng là phương tiện chuyên chở khách phổ biến tại các tỉnh Nam Bộ trước đây, những chiếc xe lôi đạp đã gắn liền với ký ức của bao thế hệ người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của cuộc sống hiện đại đã khiến những chiếc xe lôi đạp dần trôi về quá vãng!

Trời nắng chang chang, ông Lê Minh Bằng (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) tạm dừng cuộc mưu sinh. Đã gần 11 giờ trưa, ông vẫn chưa có cuốc xe đầu tiên trong ngày.

Nép mình dưới bóng cây, ông không giấu được tiếng thở dài đầy trăn trở. Nếu không kiếm được ít nhất 3 cuốc xe trong hôm nay, thì 5 “miệng ăn” trong nhà phải đành dùng mì gói thay cơm.

Nheo nheo đôi mắt dưới cái nắng như thiêu, như đốt, ông Bằng nhớ lại thời “vàng son” của dân chạy xe lôi đạp. Họ xuất hiện ở hầu hết các khu mua bán đông đúc của TP. Long Xuyên để chở người, đồ đạc, hàng hóa từ 3 - 4 giờ sáng cho đến lúc ngày tàn.

“Hồi đó cực thiệt, mà tiền bạc đỡ lắm! Có khi, người ta kêu mình chở không kịp, họ còn giận hờn. Nghề xe lôi lúc đó nói giàu không giàu, nhưng cũng dư sống. Chiếc xe lôi đạp cách đây 30 năm là cả gia tài, người nào có được nó cộng với siêng năng nữa là không lo đói” - ông Bằng nhớ lại.

Lụi hụi ngồi gắn lại chiếc sên đã rơi khỏi dĩa xe, nét khắc khổ hằn rõ trên đôi tay sạm đen vì nắng gió của ông. “Giờ người ta chở hàng bằng xe tải, xe ba gác, muốn đi xa thì họ lên xe “Honda đầu”, có mấy ai chịu ngồi xe lôi đạp! Không ai đi nữa, số người theo nghề thưa dần. Nhớ hồi trước, lanh quanh chợ Long Xuyên cũng vài chục chiếc xe lôi đạp. Giờ ế quá, họ bán xe, kiếm nghề khác mưu sinh. Tính luôn tui, chợ này giờ chưa tới chục chiếc xe lôi đạp”.

Dù vất vả, ông vẫn cố gắng bám trụ với cái nghề được xem là duy nhất của mình. Thi thoảng, cũng có khách thuê chở đồ. Trọng lượng hàng hóa từ trăm ký đổ xuống, thêm nữa thì ông Bằng “quá tải”. Chủ yếu, ông chở đồ cho tiểu thương lòng vòng chợ Long Xuyên, có khi khách đi xuống bến xe Long Xuyên, hay cầu Bà Bầu, ông cũng ráng đạp.

Nhờ siêng năng, ông lão 75 tuổi đời này vẫn kiếm mỗi ngày gần trăm ngàn đồng. Nhìn bóng dáng hom hem của ông giữa trời trưa, người ta không khỏi cảm thông cho ông, cho một cái nghề cũng đang trôi dần về quá khứ.

Cùng một đời xe lôi đạp, những “đồng nghiệp” của ông Bằng tại TP. Châu Đốc không khá hơn mấy. Do không đúng vào mùa hành hương, lượng khách đến Châu Đốc thưa thớt nên những người chạy xe lôi đạp phải ngồi nghỉ nhiều hơn thường lệ.

Có khi, họ đạp xe đi trong vô định, mong có du khách ngẫu hứng thuê chở đi một vòng Châu Đốc ngắm cảnh, hay gia đình nào đó thuê chở đồ lặt vặt. Tuy nhiên, đa phần đều phải “chạy xe không”.

May mắn có người thuê chở mớ xà bần, ông Lê Văn Tèo (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) vừa mừng, vừa thở hổn hển làm việc.

Ông Tèo chia sẻ: “Năm nay tui cũng gần 60 tuổi đời, tính ra cũng 30 năm gắn với nghề xe lôi đạp. Trước kia, một mình tui có thể nuôi 5 - 6 miệng ăn trong nhà, giờ chỉ có đôi vợ chồng già nhưng vất vả lắm. Bây giờ người ta có đủ thứ xe cộ đi lại, mấy khi ngó tới xe lôi đạp đâu. Xe họ chạy bằng xăng, vèo cái là tới chỗ. Xe tui “chạy bằng cơm” nên chậm lắm, chẳng ai muốn đi!”.

Chuyến xe ông Tèo nhận chở có chi phí 100.000 đồng, nhưng trọng lượng khá nặng. Hai bánh xe sau bẹp dúm, khiến ông phải mướt mồ hôi mới có thể kéo nó đi được. “Sáng giờ được 2 cuốc xe như vầy thì gia đình đủ sống, nên tui ráng chở. Mình lớn tuổi rồi, có còn làm gì để ra tiền mà nhàn hạ tấm thân. Dần dần, người ta bỏ nghề này cũng nhiều. Còn tui, cứ ráng lây lất tới đâu hay tới đó!” -  ông Tèo thật lòng.

Dứt lời, ông Tèo hì hục đạp xe đi, để lại hình ảnh vất vả về một nghề đã từng thịnh hành trong xã hội, nuôi sống nhiều thế hệ lớn lên ở miền Tây này. Có lẽ, những người như ông Bằng, ông Tèo rồi cũng sẽ “về hưu”, để lại khoảng lặng cho một nghề quá vãng đang dần mất đi trong guồng quay hối hả của cuộc đời!

THANH TIẾN