Nghệ thuật tuồng cổ trong lễ hội Kỳ yên Nam Bộ

15/02/2021 - 00:00

 - Nghệ thuật tuồng cổ (hát bội hay hát bộ) là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam, từng làm say mê biết bao khán giả. Mỗi nơi, vùng, miền có những đặc trưng riêng.

Nghề truyền thống của gia đình

Chú Võ Hoàng Nhơn (sinh năm 1959, ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, chủ Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Hồng Châu) nhớ lại: “Phần lớn thành viên đoàn hát đều là người trong gia đình. Một ít người ngoài được thuê, nhưng họ cũng xuất thân từ gia đình truyền thống. Trước đây, đoàn hát di chuyển bằng ghe chài, sử dụng đèn măng xông làm ánh sáng, đạo cụ thì người trong đoàn tự chế. Chủ yếu đoàn đi hát ở các đình, miếu. Đối với gia đình tôi, hát bội là nghề truyền thống, mỗi thành viên đều có máu nghệ thuật nên không sợ thất truyền”.

Như câu chuyện của anh Võ Văn Nghĩa (nghệ danh Tuấn Nghĩa, sinh năm 1994, con trai chú Nhơn). Cãi lời cha đi học nghề, rồi anh cũng bỏ nghề mà quay trở lại với đoàn hát bội, thậm chí thay cha gánh vác đoàn hát. Anh Nghĩa chia sẻ: “Khi đi làm việc khác, tôi không thoải mái, cứ “ngứa tay, ngứa chân”. Tôi quyết định nghỉ, quay sang học đánh đàn, rồi theo đoàn hát luôn, đến nay được khoảng 5 năm”. Vì là người kế thừa, chịu trách nhiệm mọi hoạt động của đoàn hát, anh Nghĩa gác bỏ mọi chuyện vui chơi với bạn bè, để cùng mọi người hết lòng vì nghệ thuật.

Cũng xuất thân từ gia đình “nòi”: ông, bà cố 2 bên đều làm nghề gánh hát, anh Mai Hữu Tri (nghệ danh Tấn Đời, sinh năm 1969, cháu vợ chú Nhơn) bày tỏ: “Hồi xưa, mọi người thường hay kêu vui là đoàn “cần xé”, vì đoàn hát sử dụng cần xé, bồ chứa lúa… dựng rạp mỗi khi đi diễn. Từ lúc sinh ra, tôi đã sống cùng đoàn hát. Khi lớn lên, ngoài giờ học ở trường, cuối tuần tôi được mẹ đưa theo đoàn hát chơi. Dần dần trở thành diễn viên của đoàn lúc nào không nhớ nữa”.

Lưu giữ nghệ thuật vì niềm đam mê

Ngoài việc sinh ra trong gia đình truyền thống, các thành viên đến với môn nghệ thuật tuồng cổ đa phần xuất phát từ niềm đam mê. Sau khi kết thúc chuyến “lưu diễn”, họ quay về công việc mưu sinh thường ngày, nhưng máu nghệ thuật vẫn chảy trong tim. Phạm Tuấn Em (sinh năm 1986, trưởng đoàn nghệ thuật Minh Ngọc, TP. Long Xuyên) thông tin: “Công việc của chúng tôi bắt đầu sau Tết Nguyên đán, đi diễn lai rai đến hết cúng đình (khoảng cuối tháng 5-6). Đoàn dừng hoạt động vài tháng, các thành viên chuyển sang nghề phụ để trang trải cuộc sống gia đình. Gần đến ngày lễ hội, chúng tôi tiếp tục tụ họp, tập dợt chuẩn bị đi hát”.

Để thu hút được khán giả, ngoài tài năng của nghệ sĩ, các vở tuồng còn được “thêm mắm dặm muối”, các phân đoạn hài cho phù hợp thị hiếu người dân. Mỗi đoàn hát quy tụ khoảng 20 nghệ sĩ tham gia và cũng tùy theo vở diễn mà kêu gọi thêm nghệ sĩ. Mỗi vở tuồng kéo dài từ 2-3 giờ đồng hồ. Họ đều là người tứ xứ, đi hát riết có mối quan hệ, khi có vai phù hợp hoặc có nơi mời diễn thì liên hệ tham gia.

Đặc trưng rõ nét của bộ môn nghệ thuật này là trang phục, trang sức và trang điểm vô cùng cầu kỳ. Nghệ sĩ thường mất hàng giờ đồng hồ để hoàn chỉnh tạo hình nhân vật. Để tiết kiệm thời gian, chi phí, từng nghệ sĩ tự mình thực hiện các công đoạn hóa trang. Chỉ một ít loại mỹ phẩm thôi đã tạo nên đủ nhân vật trong các vở tuồng: quan văn, lão võ, yêu ma, gian thần, trung thần, tiều phu… Mỗi vai diễn, nhân vật được quy định rõ cách hóa trang, như: màu đỏ (trí dũng), màu trắng (thư sinh), xanh da trời (mưu mô xảo quyệt), hồng (trung thần)…

Kể từ khi khoác lên mình trang phục của nhân vật, người nghệ sĩ bắt đầu sống cuộc đời của nhân vật ấy. Thu nhập từ các vở tuồng chỉ mang tính tượng trưng. Nghệ sĩ còn trụ lại với nghề, phần lớn là do đam mê, không bỏ được môn nghệ thuật đã cùng họ gắn bó mấy mươi năm. Ra khỏi ánh đèn sân khấu, họ trở về làm phụ hồ, tiểu thương, nông dân… để nuôi sống gia đình. Điều nghệ sĩ sợ nhất là loại hình nghệ thuật này đang dần mai một: thiếu người kế thừa, thiếu khán giả. Nên họ thường “truyền lửa” và đào tạo thế hệ tiếp nối ngay khi phát hiện tài năng mới, nhưng trước tiên chính là những người con, cháu trong gia đình.

Chị Trần Thị Hạnh (sinh năm 1981, ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chuẩn bị vào vai người hầu trong vở tuồng “Ngô Quyền” của đoàn nghệ thuật Minh Ngọc, khi phục vụ biểu diễn tại đình Bình Đức (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) nhân dịp lễ Kỳ yên năm 2020. Bên cạnh chị là cậu con trai tên Trần Đại Nghĩa, đang học lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quang Khải. Nghĩa vừa thi học kỳ xong là chị đưa theo đi hát. Nhỏ xíu tuổi, nhưng Nghĩa đã thành thục trong cách ngồi chờ trang điểm, trong cách diễn, hoàn toàn nghiêm túc, chín chắn hơn đám trẻ con cùng tuổi.

Đến với hát bội ở đình, không chỉ thưởng thức giải trí mà còn để góp phần duy trì, bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương; để sân khấu hát bội không bao giờ bị lãng quên… Hy vọng rằng, những nghệ sĩ thầm lặng này sẽ giữ mãi niềm đam mê, duy trì giữ lửa nghề.

NGUYỄN HƯNG