Nghị định đăng ký kinh doanh tác động lớn, trực tiếp đến doanh nghiệp

17/01/2021 - 08:47

Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về đăng ký doanh nghiệp; là Nghị định đầu tiên của năm, có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Đây là Nghị định đầu tiên của năm 2021, có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa những có những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp; đồng thời, khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.

Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối.

Bên cạnh đó, bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như công bố con dấu, thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phần riêng lẻ…; đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Cùng với đó, công khai hóa các thông tin cơ bản về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối hoạt động của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Hơn nữa Nghị định bổ sung thêm một cộng đồng doanh nghiệp mới thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.

Nghị định cũng hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý triệt để hành vi kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, xử lý các doanh nghiệp “bỏ trốn, mất tích” nhằm tăng tính răn đe, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn.

Mặt khác, Nghị định hoàn thiện một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh, thể chế hóa các quy định về hộ kinh doanh đã được dự kiến đưa vào Luật Doanh nghiệp 2020.

Nghị định đã xác định rõ chủ thể thành lập hộ kinh doanh phù hợp với Bộ luật Dân sự, phân tách rõ quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình, đảm bảo quyền kinh doanh và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, quy định tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và một số nội dung quan trọng khác.

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP gồm 9 chương, 101 điều quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý Nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.

Nơi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp của Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Việc liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam; cá nhân, thành viên hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Nghị định này; cơ quan đăng ký kinh doanh; cơ quan quản lý thuế; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.

Theo Nghị định, nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp: người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.

Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.

Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan...

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23-8-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 149/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp./.

Theo THÚY HIỀN (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích