Bằng nghị lực bản thân, anh Vũ đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống
Khi mới sinh ra, anh Nguyễn Ngọc Vũ (sinh năm 1985) cũng có đôi mắt lành lặn như bao đứa trẻ khác. Biến cố xảy ra khi anh vừa được 4 tháng tuổi, căn bệnh viêm não đã khiến mắt trái của anh vĩnh viễn không thấy ánh sáng, thị lực mắt phải cũng rất kém. Mặc dù gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng đến nay mắt anh vẫn không thể nhìn rõ mọi vật.
Lớn lên, anh Vũ cũng cắp sách đến trường như bao bạn trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng việc học của anh Vũ chỉ dừng lại ở lớp 5. Ông Nguyễn Ngọc Khen (ba anh Vũ) cho biết, trong trường học anh Vũ thường xuyên bị bạn bè trêu trọc, bị đánh và ném đá vào người. Thấy con bị bạn bè ức hiếp, ông Khen sau nhiều lần suy nghĩ đã quyết định cho anh nghỉ học.
Vốn là thợ sơn (tủ, bàn, ghế…) nên mỗi lúc đi làm, ông Khen thường dẫn anh Vũ theo. Cũng nhờ những chuyến đi làm cùng ba, anh Vũ được tiếp xúc với nghề mộc và niềm đam mê với nghề mộc bắt đầu hình thành từ đó. “Những lúc rảnh rỗi, Vũ hay chạy đến chỗ của những người thợ đóng bàn, tủ…
Lúc ở nhà, Vũ tham khảo sách vở để trang bị thêm kiến thức về nghề mộc. Nhờ vậy, Vũ nắm bắt rất nhanh, nhiều sản phẩm chỉ coi một lần là Vũ có thể làm được. Đặc biệt cũng nhờ đọc sách mà Vũ có thêm nhiều kiến thức về cuộc sống và xã hội” - ông Khen chia sẻ.
Sau những ngày “học lén” anh Vũ bắt đầu làm quen với cây cưa, cây búa. Sản phẩm lúc đầu là những vật dụng đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày như: kệ đọc sách, kệ điện thoại… Dần dần đến các món đồ đòi hỏi sự phức tạp hơn như: xe ôtô mô hình, động vật, mô hình nhà thờ Thần Tài, Thổ Địa... Nhiều vật dụng được bỏ đi được anh chế biến thành những sản phẩm thân thuộc với đời sống như sử dụng gáo dừa để làm gạt tàn thuốc….
Thời gian đầu, việc kinh doanh của anh Vũ gặp nhiều khó khăn do sản phẩm chưa được nhiều người biết đến. Được sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên phường và thị xã, sản phẩm của anh Vũ được trưng bày, giới thiệu ở các cửa hàng khởi nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của anh Vũ được nhiều người biết đến và tìm mua. “Đến năm 2015, mình được 1 cửa hàng nội thất ở huyện An Phú đặt làm tủ tiền. Nhờ những đơn hàng này mà mình có thu nhập cao hơn” - anh Vũ chia sẻ.
Tận mắt chứng kiến quy trình làm ra 1 chiếc tủ, nhiều người không khỏi bất ngờ, thán phục. Do mắt kém, việc sử dụng các loại máy móc khá nguy hiểm nên hầu hết công việc đều được anh thực hiện bằng tay. Những mũi đinh đôi khi phải đóng đi, đóng lại 2-3 lần nhưng không vì thế mà mất đi tính thẩm mỹ của sản phẩm. Đặc biệt, nguyên liệu được chọn là các loại gỗ có vân, màu đẹp và sử dụng lâu bền.
Theo anh Vũ, tùy theo số lượng đơn hàng mà mỗi tháng anh làm khoảng 10 sản phẩm. Bình quân mỗi sản phẩm phải mất 3 ngày mới hoàn thành. Đó là chưa kể thời gian sơn bóng (sơn PU). Giá mỗi sản phẩm được cửa hàng trả từ 400.000-500.000 đồng (tùy kích thước).
Vượt qua nỗi đau, mặc cảm về việc bị khiếm thị, anh Nguyễn Ngọc Vũ đã tìm thấy niềm vui với nghề mộc. Công việc hiện tại mặc dù không mang lại thu nhập cao nhưng đã giúp gia đình anh đỡ vất vả hơn, đồng thời, tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Người dân địa phương ai cũng yêu mến, cảm phục ý chí, nghị lực của anh. Anh Vũ là tấm gương sáng cho những người có hoàn cảnh khó khăn noi theo.
ĐỨC TOÀN