Hồ Em kể: “Năm 12 tuổi, em bị sốt bại liệt, liệt nửa người dẫn đến teo cơ nằm một chỗ, cổ cứng đơ không cử động hay xoay chuyển được. Cha em bệnh mất, anh trai bị tai nạn giao thông qua đời, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ già. Gia đình không ruộng đất, hàng ngày mẹ em đi hái rau bán kiếm tiền chạy gạo. Day dứt và bất lực, em suy nghĩ nằm một chỗ hoài không giúp gì được, mà còn là gánh nặng của mẹ nên hàng ngày tự tập thể dục quơ tay, quơ chân trên giường. Tay còn lại cử động được thì nắm tay kia kéo lên, rồi kêu mẹ cột dây vô giường chằng kéo chân với hy vọng có thể đi lại được...”.
Bằng ý chí và nghị lực phi thường, thực hiện như vậy đến 3 năm, tay chân bị liệt dần cử động được, rồi Hồ Em chuyển qua ngồi xe lăn và tiếp tục chống gậy, tập đi... Cuối cùng, mẹ con mừng rơi nước mắt vì Hồ Em đã có thể tự đứng dậy và đi, có thể vệ sinh cá nhân và giúp mẹ những việc lặt vặt trong nhà.
Một số sản phẩm do Hồ Em làm ra từ thủ công
Hồ Em kể: “Thời gian ngồi xe lăn phơi nắng thấy mẹ chẻ tre phơi làm củi, em kêu mẹ chẻ nhỏ em làm đồ chơi. Từ ý tưởng ban đầu lấy tre chuốt, lắp ráp, mài bóng gỗ rồi em tự suy nghĩ làm ra được mấy vật dụng nhỏ, thấy gì xung quanh là làm theo cho trẻ hàng xóm, như: nhà mi-ni, chìa khóa... Thế rồi, nảy sinh ý tưởng làm những mô hình trang trí từ tre tặng người thân, bạn bè để tạo niềm vui cho mình. Những ngôi nhà, móc khóa được bạn bè nhận xét có “hoa tay” đã tạo động lực giúp Hồ Em mạnh dạn làm tiếp. Hồ Em kêu mẹ mua tre về chẻ nhỏ, đem phơi khô rồi tỉ mỉ, kiên trì, đục đẽo, ngày đêm vót, chuốc và ráp lại thành mô hình cây đàn, căn nhà, móc khóa, bàn, ghế... từ thô kệt ban đầu dần dần tinh xảo và độc đáo.
Với đôi tay yếu ớt, Hồ Em thường xuyên đứt tay chảy máu nhưng vẫn không làm nản chí anh thanh niên khuyết tật. Khi sản phẩm hoàn thành, niềm vui lóe sáng, niềm đam mê thôi thúc khiến Hồ Em quyết định làm nhiều sản phẩm khác nhau từ tre, trúc để bán kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Từ những thanh tre, cây trúc qua bàn tay khéo léo của Hồ Em đã trở thành những sản phẩm vô cùng độc đáo.
ở nhà vừa làm, vừa tự học cách làm sản phẩm trên mạng, Hồ Em tự đặt linh kiện và chế ra các loại máy cắt, máy bào, máy cưa lọng, máy mài mi-ni... phù hợp với bàn tay khuyết tật yếu ớt. Đến nay, Hồ Em đã làm ra được hàng trăm loại: mô hình nhà rông, nhà sàn, nhạc cụ, xe đạp, chậu hoa, bàn, ghế, bút viết, hộp đựng đũa, móc khóa với đủ loại hình... Mỗi sản phẩm có giá từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng, tùy mẫu mã, kích cỡ.
Tận mắt thấy những sản phẩm em làm mới thấy được nghị lực phi thường “tàn nhưng không phế” của Hồ Em. Đặc sắc nhất là bông hoa từ tre. Khó ai có thể tưởng tượng được từ thanh tre có thể cắt bào thành những cánh hoa, rồi ghép lại thành một bông hoa hồng độc đáo. Có thể thấy, mỗi sản phẩm tạo ra không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là kết quả của quá trình vươn lên từ nghị lực của thanh niên khuyết tật.
Hồ Em chia sẻ: “Do tay cử động rất khó khăn, cổ cứng đơ, không thể xoay chuyển được, chân thì rất yếu, đi đứng khó khăn, đôi lúc sức khỏe kém, nên sản phẩm làm ra chậm hơn so người bình thường. Tùy loại phải mất 1 ngày hay có khi 5-10 ngày hoặc 2-3 tháng mới xong. Giờ chủ yếu em làm theo đặt hàng của khách. Nhờ có mạng xã hội nên khách hàng có thể đặt hàng qua Facebook, Zalo, em giao hàng qua bưu điện hoặc khách tự đến nhà lấy”.
Bà Võ Thị Ánh (68 tuổi, mẹ của Hồ Em) chia sẻ: “Lúc con bị liệt, tưởng không qua khỏi... Thấy con tật nguyền mà phải vất vả cũng tội, nhưng nhà nghèo, tôi lại lớn tuổi không làm thuê, mướn nên phụ con kiếm tiền. Thấy mẹ con tôi tội nghiệp, nhiều khi đi mua tre người ta cho thiếu, khi nào có tiền thì trả. Tôi rất cảm động trước tình cảm của mọi người, hai mẹ con động viên nhau sẽ tiếp tục cố gắng hơn...”- mắt bà Ánh rơm rớm.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU