Nghĩ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

20/11/2020 - 04:20

 - “Ơn thầy soi lối mở đường/Cho con vững bước dặm trường tương lai”; “Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói đố mày làm nên” - kho tàng ca dao tục ngữ nước Việt Nam ta từ xa xưa đã luôn khuyên dạy mọi người phải biết kính trọng, biết ơn, ghi nhớ công ơn to lớn của người thầy. Dẫu không sinh ra nhưng có công to lớn trong dạy dỗ ta thành người biết trọng “Nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”. Vì thế, dù qua bao thăng trầm của thời gian, giá trị của nghề giáo và sự kính trọng với người thầy vẫn còn vẹn nguyên giá trị!

Gác lại một vài trường hợp nhân gian vẫn hay gọi là “Một con sâu làm rầu nồi canh”, nhìn rộng ra, nghĩa thầy và tình trò trong xã hội từ xưa đến nay luôn được đề cao. Bởi, thầy cô là người đã dạy con trẻ nét chữ đầu tiên, nắn nót, uốn nắn để nét chữ đầu đời ấy sáng đẹp theo ta đến mãi về sau. Trong sự trìu mến có lẫn sự khắt khe một chút nhưng đừng vội phán xét. Hãy để sau này khi những cô bé, cậu bé lớn lên, mới hiểu sự ân cần hay nghiêm khắc của thầy cô không chỉ đơn thuần là dạy con nét chữ mà đó còn là dạy “nết” người.

Thầy cô là người gần gũi như cha mẹ, truyền dạy bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Đôi khi đừng vì những cái la mắng nhất thời hay sự nghiêm nghị trong từng lời phê của thầy cô mà quên đi nếp nhăn trên gương mặt thầy cô, sợi tóc ngã màu chiều vì thức khuya bên những trang giáo án cho ta nên người mai sau. Thế mới hiểu, tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.

Nói đâu xa, trong nhóm bạn tôi, mãi về sau này, trong những lần họp lớp vẫn huyên thuyên nhắc về những thầy cô thời “trẻ trâu” của mình với những kỷ niệm không thể nào quên. “Ngày đó, cô dạy Văn, thầy Hóa... khó ghê! Nhất là với mấy học sinh trung bình, yếu, sự nghiêm khắc càng thể hiện rõ hơn” - cứ thế, ai cũng có điều gì đó nhớ về thầy cô nhưng kết luận lại vẫn là... không nhờ thầy cô chúng ta sẽ không nên người như hôm nay.

Với người thầy, niềm vui lớn nhất là được truyền thụ tri thức, là được nhìn thấy các thế hệ học trò trưởng thành, mang những tri thức đã học xây dựng quê hương, làm giàu cho Tổ quốc. Niềm vui ấy hơn cả những bông hoa hay những phần quà được gói ghém tỉ mỉ vào những dịp lễ, Tết. Vậy nên từ bao đời, nhân gian vẫn truyền nhau câu nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cái nghĩa “yêu thầy” ở đây hiểu đơn giản chính là trọng thầy, kính thầy và trọng sự học, những kiến thức mà thầy truyền dạy chứ không phải là những vàng bạc hay những giá trị vật chất gì lớn lao.

"Tôn sư trọng đạo " - truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Cũng có người ví nhà giáo là những “kỹ sư tâm hồn” hay nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Vâng, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm nhận được điều này. Lịch sử cho thấy, bao lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do. Vì lẽ đó, nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy như: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”...

  Có thể khẳng định, “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ lớp thế hệ này đến lớp thế hệ khác cho đến nay. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Trong xã hội ngày nay, người thầy có vị trí đặc biệt quan trọng.

Bởi lẽ, các phương tiện trong quá trình giáo dục có hiện đại, tối tân đến đâu chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ bài giảng của thầy. Người thầy là “hạt nhân” giữ vai trò quan trọng giúp học sinh định hướng, phát triển tư duy, thể chất lẫn tâm hồn. Thầy còn là người truyền lửa ham học, khơi lên những ước mơ, hoài bão để thổi bùng những khát vọng cao đẹp trong tương lai cho bao lớp học trò.

“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa...”, nghe có vẻ buồn quá phải không? Bao năm tháng trôi đi, chúng ta lớn khôn từng ngày, thỏa sức tung cánh khắp mọi miền thì người thầy năm xưa vẫn ở đấy, lặng lẽ làm người “đưa đò thầm lặng” và làm bạn với phấn trắng, bảng đen và bục giảng. Quý nhất với thầy cô không phải là những món quà bằng vật chất. Nếu biết nghĩ và thương yêu người thầy, các em nên phấn đấu học tập, mang về nhiều bông hoa điểm mười dâng lên thầy cô. Đó là món quà tinh thần không gì sánh được.

Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu, An Giang) trải lòng: “Suốt mấy mươi năm công tác trong ngành giáo dục, tôi luôn tâm niệm phải mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò. Và, gương sáng của người thầy chính là ngọn lửa giúp học sinh nỗ lực, phấn đấu từng ngày. Với thầy cô, sự chăm chỉ, hứng khởi trong học tập và sự tiến bộ qua từng ngày là điều tuyệt vời nhất, là động lực để chúng tôi dốc sức trong sự nghiệp “trồng người”!”.

“Tôn sư trọng đạo” - truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người thầy trong xã hội. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa. Đừng để vì vài “con sâu” với những biểu hiện tiêu cực làm phai mờ giá trị đã được xây dựng từ ngàn đời của dân tộc.

PHƯƠNG LAN