Nghĩa cử cao đẹp của bác Ba Tu

12/04/2023 - 06:46

 - Với vai trò là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, bác Võ Văn Cửu (tên thường gọi Ba Tu) đã hết lòng giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn; vận động hỗ trợ xây dựng công trình xã hội tại địa phương.

Có dịp về thăm xã Vĩnh Lợi, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Châu Thành, dễ dàng thấy được diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt, trong câu chuyện của người dân nơi đây, chúng tôi thường được nghe kể về bác Ba Tu.

Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Sáu và chị Nguyễn Thị Duyên, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Trong căn nhà mới cất cách đây không lâu, gia đình anh Sáu mở một tiệm bán bánh nhỏ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Tiếp chúng tôi, anh Sáu cho biết, gia đình trước đây chủ yếu làm thuê, thu nhập bấp bênh. Căn nhà đã xuống cấp từ lâu nhưng không có điều kiện sửa chữa, cất mới. Được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, anh Sáu vô vùng phấn khởi.

“Đây là căn nhà mà gia đình tôi đã mơ ước từ rất lâu mà chưa cất nổi. Gia đình chúng tôi cám ơn bác Ba Tu cùng các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi có được căn nhà mới”- anh Sáu chia sẻ.

Bác Ba Tu bên căn nhà của gia đình anh Sáu

Ngôi nhà của anh Sáu và chị Duyên là điển hình trong số rất nhiều căn nhà được bác Ba Tu hỗ trợ xây dựng. Từ đầu năm đến nay, thông qua các mối quan hệ, bác Ba đã vận động, hỗ trợ cất mới 5 căn nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa phương. Nhà được cất tiền chế, quy cách 4m x 8m, kinh phí khoảng 35 triệu đồng. Đặc biệt có căn kích thước 5m x 16m, kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Qua đó, giúp các hộ nghèo có được nơi “an cư”, từ đó an tâm lao động, sản xuất.

Ngoài việc hỗ trợ nhà Tình thương, bác Ba Tu cùng Ban Trị sự Giáo hội PGHH xã Vĩnh Lợi chăm lo việc học của học sinh nghèo. Vào mỗi dịp đầu năm học, bác Ba vận động, hỗ trợ nhiều suất học bổng; những phần quà gồm tập, sách, dụng cụ học tập, kịp thời trao tặng các em. 9 năm trở lại đây, bác Ba còn hỗ trợ những suất cơm miễn phí cho các em học sinh trong xã. Từ sau thời gian dịch bệnh COVID-19 đến nay, việc hỗ trợ cơm trưa dừng lại. Thay vào đó, mỗi tháng, bác Ba Tu hỗ 300kg gạo cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Những hỗ trợ vật chất và tinh thần đã tiếp thêm động lực cho các em được tiếp bước đến trường. Nhiều em từng được bác Ba Tu hỗ trợ, sau khi ra trường, có việc làm ổn định đã trở lại giúp đỡ những học sinh khó khăn tại địa phương.

Bác Ba Tu chia sẻ: “Trẻ em là tương lai của đất nước, chỉ có việc học của các cháu mới giúp đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Do đó, tôi phải vận động để cha mẹ đưa các cháu đến trường. Bản thân tôi cũng cố gắng hết sức để hỗ trợ các cháu được học hành đến nơi đến chốn”.

Ngoài ra, bác Ba Tu còn phát động phong trào “Nắm gạo tình thương”, hỗ trợ 600kg gạo/tháng cho hộ nghèo trong xã. Bác còn vận động hỗ trợ các điểm Tiếp sức mùa thi; hỗ trợ gạo cho gia đình thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng, sửa chữa cầu đường nông thôn… Tổng kinh phí cho các hoạt động xã hội - từ thiện do bác Ba Tu vận động đóng góp mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2023, đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng.

Gần 80 tuổi, bác Ba Tu vẫn miệt mài, nhiệt tâm với hoạt động xã hội - từ thiện. Bác chia sẻ: “Ngày trước, đường sá ở đây chưa phát triển, người dân di chuyển chủ yếu bằng xuồng, ghe. Thấy vậy, tôi mới bắc "cầu khỉ" cho bà con đi lại. Cứ 4 - 5 căn nhà thì cất 1 cây. Dần dần, khi điều kiện cho phép, tôi chuyển sang vận động cất cầu gỗ, cầu sắt, rồi đến cầu bê-tông như hiện nay”.

Bác Ba Tu rất vui khi được góp một phần công sức của mình để xây dựng quê hương. “Khi nào không còn đi đứng khỏe mạnh, thì tôi sẽ ngừng công việc từ thiện. Hễ còn chống gậy được, tôi sẽ tiếp tục đi để xem địa phương cần hỗ trợ những gì. Đây là trách nhiệm của một người cư sĩ, của một người công dân đối với quê hương, đất nước” - bác Ba Tu vui vẻ nói.

ĐỨC TOÀN