Nghĩa tình với Ba Chúc

28/05/2024 - 22:50

 - Gần nửa thế kỷ trước, người dân Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bị bọn diệt chủng Pol Pot tràn qua biên giới, tàn sát dã man. Đứng lên từ đau thương, mất mát, Ba Chúc càng mạnh mẽ hơn khi được tiếp sức từ nghĩa tình từ khắp mọi nơi.

Vươn lên trong khó khăn

Trên tuyến đường từ khóm Núi Nước (thị trấn Ba Chúc) ra ngã ba Lạc Quới (giao với tuyến N1 qua huyện Tri Tôn), cầu sắt giữa T6 đã được thay bằng cầu bê-tông vững chãi, tuyến đường cặp kênh T6 giờ được láng nhựa, thuận tiện giao thông.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, khu vực cầu sắt giữa này từng xảy ra một trong những cuộc thảm sát đẫm máu nhất trong chiến tranh biên giới Tây Nam, kéo dài từ ngày 18/4/1978 - 30/4/1978, với hàng ngàn đồng bào vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot tàn sát man rợ.

"Đến bây giờ, trong giấc mơ tôi vẫn còn ám ảnh với khung cảnh rùng rợn năm ấy. Cả gia đình, người thân, dòng họ, hàng xóm đều bị tàn sát không thương tiếc. Nỗi đau đó càng khiến người dân Ba Chúc phải mạnh mẽ hơn, cùng chung sức phát triển quê hương, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định” - ông Trương Văn Mềm (người dân thị trấn Ba Chúc) bộc bạch.

Nhằm tưởng nhớ những nạn nhân vô tội và tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đất từng hứng chịu đau thương, Huyện ủy, UBND huyện đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng cụm công trình công viên văn hóa, bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị Pol Pot thảm sát năm 1978, ngay tại khu vực cầu sắt giữa T6. Ngoài phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn có nơi để tưởng niệm người thân đã mất, đây còn điểm vui chơi, thể dục - thể thao và các hoạt động văn hóa khác.

Cắt băng khánh thành cụm công viên văn hóa và bia tưởng niệm

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Tri Tôn Nguyễn Minh Đẳng cho biết, với công trình công viên văn hóa, có tổng kinh phí gần 4,77 tỷ đồng, gồm 3 hạng mục: Nâng cấp, mở rộng đường kênh T6 (đoạn còn lại) đạt loại đường ôtô cấp 5, dài 945m, mặt đường rộng 6m, lề mỗi bên 1m, tổng mức đầu tư hơn 3,49 tỷ đồng; hạng mục cải tạo kè chống sạt lở kênh T6, với chiều dài tuyến gia cố 78,85m, tổng mức đầu tư gần 1,22 tỷ đồng; hạng mục vẽ tranh nghệ thuật, tổng kinh phí 55 triệu đồng.

Đối với công trình bia tưởng niệm, có tổng kinh phí xây dựng 938 triệu đồng, gồm: Tượng đài tưởng niệm 700 triệu đồng; khối lượng đất san lắp 500m3 và chi phí vận chuyển, tổng kinh phí 138 triệu đồng; diện tích lát gạch hơn 400m2, tương đương 100 triệu đồng.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục ghi vốn đầu tư hạng mục vỉa hè, cây xanh và hệ thống chiếu sáng của cụm công trình, dự kiến kinh phí khoảng 800 triệu đồng.

Tạo động lực phát triển

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, trước đó, cầu sắt giữa T6 đã được đầu tư xây dựng bê-tông cốt thép với kinh phí hơn 80 tỷ đồng, đường ra cánh đồng cặp kênh T6 được xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng... Trong quá trình xây dựng công viên và bia tưởng niệm, người dân tự nguyện di dời, sắp xếp nhà cửa để bàn giao mặt bằng; Công ty TNHH Liên doanh Antraco tài trợ 798 triệu đồng (tiền mặt 700 triệu đồng và 500m3 đất san lắp); Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẽ tặng bức tranh với tổng kinh phí 55 triệu đồng.

“Để có cụm công trình hôm nay, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân là rất đáng biểu dương, trân quý. Trong cuộc thảm sát Ba Chúc năm 1978, khu vực cầu sắt giữa T6 là nơi mất mát nhiều nhất. Bia tưởng niệm được xây dựng với biểu tượng hoa súng, biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh cao, nhưng dung dị, gần gũi đời thường.

Dù trong phong ba, bão táp, hoa súng vẫn vượt khỏi bùn lầy để vươn lên rực rỡ; cũng giống như người dân Ba Chúc đã vượt qua muôn vàn khó khăn, khắc phục đau thương để vươn mình phát triển. Tưởng nhớ 3.157 nạn nhân bị Pol Pot tàn sát, mong rằng người dân Ba Chúc sẽ tiếp tục vươn lên rực rỡ” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm kỳ vọng.

Thắp hương tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát

Hàng năm, Ban Quản lý Di tích cấp quốc gia Khu di tích lịch sử chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, nhà mồ Ba Chúc đều tổ chức Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam vào ngày 16/3 (âm lịch). Các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ 3.157 nạn nhân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot sát hại, chứng kiến nghi lễ đánh trống khai lễ tưởng niệm, đốt đuốc hồn thiêng, dâng hương tại nhà mồ Ba Chúc - nơi bảo quản 1.159 bộ hài cốt nạn nhân thu gom được.

Đêm trước lễ tưởng niệm, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức các hoạt động tôn giáo, như: Làm lễ khai kinh, cầu siêu cho những người đã khuất. Tuổi trẻ Tri Tôn tổ chức đốt hoa đăng, bày tỏ tấm lòng thương nhớ những người đã khuất và mong ước vùng đất Ba Chúc luôn bình an, hạnh phúc.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền cho biết, năm 1980, quần thể di tích nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau đó, quần thể di tích đã 2 lần được UBND tỉnh An Giang trùng tu, nâng cấp trên khuôn viên rộng 4ha, trong đó khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc được xây dựng hoàn chỉnh năm 2013; hài cốt trưng bày trong nhà mồ được Bảo tàng tỉnh An Giang bảo quản định kỳ để tồn tại lâu dài.

“Việc khánh thành cụm công trình công viên văn hóa và bia tưởng niệm, nâng cấp khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc ngay tại vùng đất đồng bào bị bọn diệt chủng Pol Pot sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, vừa là chứng tích tố cáo tội ác diệt chủng, vừa là nơi tưởng nhớ nạn nhân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN