Người bảo vệ tử tế

27/04/2021 - 05:42

 - Ở tuổi 57, ngoài công việc chính làm bảo vệ tại Trường Tiểu học “C” Vĩnh Thạnh Trung (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang), ông Huỳnh Văn Quân còn lo đủ mọi chuyện, nhưng không phải để mưu sinh mà lo cho những người xung quanh, lấy đó làm niềm vui trong đời.

Ông Quân có tay nghề gần 20 năm sửa xe đạp, bây giờ nó trở thành công việc phụ giúp ông trang trải thêm thu nhập. Tận dụng tay nghề, ông tranh thủ thời gian rảnh để sửa chữa, tân trang xe đạp cũ dành tặng học sinh và bà con nghèo. Một chiếc xe đạp trong mắt nhiều người đã trở thành đồ phế liệu, qua bàn tay ông Quân lại hồi sinh lần nữa. Các loại phụ tùng: sườn, căm, vành, bánh… được ông mua mới từ cửa hàng với số lượng nhiều theo giá sỉ hoặc mua lại từ xe phế liệu.

Ông Quân xởi lởi: “Cái nào cũ, xài không được lấy ra bỏ, cái nào xài được mà khớp với xe thì gắn vô, sơn xịt rồi qua các công đoạn bài bản là có được 1 chiếc xe như mới. Ai cần xe để chạy thì nói, tôi tặng không”.

Giá 1 chiếc xe đạp được tân trang dao động từ 250.000-400.000 đồng. Trong năm học này, ông Quân đã tặng khoảng 50 chiếc xe đạp cho người dân và học sinh trong trường, hiện vẫn còn 10 chiếc xe đạp tại nhà ông đang chờ chủ. Ông làm công việc này chỉ bởi thấy thương học sinh, nhiều em không có xe đi học, một số em phải có phụ huynh đưa rước, ngày nào cha mẹ bận việc thì em đó mất 1 buổi học.

Ông Quân suy tính, nghĩ mình nên nhín chút thời gian, công sức, số tiền nhỏ là hoàn thiện được vài chiếc xe đạp tặng học sinh, kể cả những người khó khăn khác. Cứ như vậy, bao nhiêu năm nay, vừa buông công việc ở trường là ông Quân bắt tay qua sửa xe, tận dụng thời gian rảnh thì từ 1-3 ngày có thể làm xong 1 chiếc.

Ông Huỳnh Văn Quân miệt mài bên những chiếc xe đạp

Nhân dịp Tết, những chiếc xe đạp do ông Quân làm mới là món quà được Liên đội, Đoàn trường, Đoàn thị trấn trao cho các em học sinh kèm theo góc học tập. Để thể hiện sự quý trọng, nhà trường mời ông lên tận tay trao nhưng ông luôn từ chối vì còn bận hoàn thiện nhiều chiếc xe khác cho người đang cần.

Em Lê Thị Kim Tuyền (học sinh lớp 3B) là một trong số những em học sinh được nhận xe đạp từ ông Quân cho biết rất vui và biết ơn ông Ba (cách học sinh gọi ông Quân thân thiện), vì từ ngày có chiếc xe, Kim Tuyền và đứa em đang học lớp 1 không phải đi bộ đến trường nữa.

Với nhiệm vụ bảo vệ, ông Quân nhận lương khoán 1,5 triệu đồng/tháng, vợ được tạo điều kiện bán căn-tin trong trường. Cuộc sống không đòi hỏi gì hơn nên bà rất ủng hộ những việc ông đang làm. Hiếm lúc nào thấy ông Quân rảnh tay, ông tự cho rằng đó là cái số của mình, hễ ở không là thấy không khỏe nên phải kiếm cái này, cái kia để được vận động. Nói là vậy, chứ ai cũng hiểu ông luôn tận tâm vì mọi người, từ bà con chòm xóm đến nhà trường đều quý mến, bởi ông hiền lắm, lúc nào cũng cặm cụi làm việc, áo đẫm mồ hôi.

Ở điểm phụ 1 của Trường Tiểu học “C” Vĩnh Thạnh Trung, dưới tán bóng mát của cây còng lâu năm, ông Quân che tole phía trên, bên dưới giăng võng để giáo viên và học sinh có chỗ ngả lưng giờ ra chơi. Chuyện nhỏ ấy nhưng đổi lại sự thoải mái khiến các thầy, cô không ngớt lời: “Trong 3 điểm trường, điểm này là mát nhất, khỏe nhất”; “Nhờ có mấy chiếc võng này mà giáo viên lớn tuổi đỡ khổ, có chỗ nằm ngả lưng khoảng 15 phút dưới bóng mát như vậy thì khỏe lắm rồi”.

Món quà của ông Quân dành tặng cho học sinh của trường

Đặc biệt, với những trường ở khu vực xa trục lộ và là điểm phụ, có một nhà vệ sinh sạch và xanh không hề đơn giản. Điểm trường nơi ông Quân phụ trách thì giáo viên, học sinh có thể thoải mái vì ông rất kỹ lưỡng. Dù không có thêm thù lao cho nhiệm vụ này, ông vẫn nhiệt tình tẩy rửa hàng ngày, vì ông nói: “Nhà vệ sinh mà hôi, nóng bức thì tội nghiệp thầy cô và học trò”. Phụ huynh học sinh từng đề xuất tự nguyện đóng góp thêm để bồi dưỡng cho bảo vệ nhưng ông Quân từ chối, ông không xem đó là nhiệm vụ mà là việc đang giúp ích cho mọi người, trong lòng thấy vui là được.

Điểm phụ Trường Tiểu học “C” Vĩnh Thạnh Trung nằm giữa cánh đồng, nhìn quanh, ông Quân lại có ý tưởng: “Đất cặp hàng rào trường rất tốt, nếu nhà trường cho phép, tôi sẽ giúp trồng một số cây ăn trái hay rau xanh, chỉ thời gian sau, thầy cô và học sinh có quà từ vườn sạch ăn cũng êm…”.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích