Tiêm vaccine mũi 3 tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Ảnh: HẠNH CHÂU
Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: TRỌNG TÍN
Thời gian qua, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tốt. Tất cả các địa phương trong tỉnh đã từng bước “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mở cửa các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống sinh hoạt, học tập của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, cùng với biến thể Delta thì sự xuất hiện của biến thể Omicron tiếp tục đặt ra những thách thức khó khăn trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, dù đang trong trạng thái “bình thường mới” không có nghĩa là mỗi người dân có thể chủ quan, lơ là mà càng phải cảnh giác, tuân thủ triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bởi chỉ cần tâm lý chủ quan, lơ là, xem thường dịch bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, nhất là với biến thể Omicron nguy hiểm khó lường.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm 2 mũi hoặc đã tiêm mũi vaccine thứ 3 tăng cường để phòng bệnh nên nếu dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng sẽ nhẹ, không đáng lo rồi buông xuôi, thả lỏng, quên đi việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trước đây. Cá biệt có người lại suy nghĩ muốn bị nhiễm COVID-19 cho xong, vì cho rằng đã mắc bệnh rồi thì rất ít nguy cơ tái nhiễm, bản thân không cần phải lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đây là những suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ làm giảm mức độ nặng, ca nhập viện và tử vong, chứ không hoàn toàn chống lại được virus SARS-CoV-2. Nếu không tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm 2 mũi vaccine, thậm chí ngay cả khi đã tiêm mũi 3 vaccine tăng cường vẫn có thể nhiễm bệnh. Người đã từng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân, đồng thời vô tình làm lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng.
Anh T.T.T (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi đã tiêm mũi vaccine thứ 3 tăng cường cách đây 3 tháng nhưng vẫn bị mắc COVID-19 và vô tình lây dịch bệnh cho người thân. Tuy các triệu chứng của COVID-19 rất nhẹ nhưng sau khi đã điều trị hết bệnh tôi cảm thấy sức khỏe không thể như lúc trước. Do đó, tôi thường khuyên người thân và bạn bè không được chủ quan để bị nhiễm COVID-19 mà ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Thay vì một số ý nghĩ cho rằng, trước sau gì cũng mắc COVID-19, đại đa số người dân cần tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Bà Cao Thị Tuyết Vân (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Bà Vân chia sẻ: “Tôi tuổi đã cao, có bệnh nền, gia đình có mấy cháu nhỏ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, vì thế tôi cố gắng bảo vệ sức khỏe của mình và căn dặn các con, cháu phải tuân thủ nghiêm thông điệp “5K”, cẩn thận, giữ gìn sức khỏe”.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 có thể còn rất dài, để tiếp tục giữ vững những thành quả phòng, chống dịch và cuộc sống “bình thường mới” đã đạt được, cần lắm ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng của mỗi người dân. “Tôi thấy dịch bệnh vẫn còn và nguy cơ cao, rất dễ nhiễm bệnh. Dù gia đình được tiêm 2 mũi vaccine nhưng các con nhỏ chưa được tiêm mũi nào nên tôi rất lo. Mỗi khi ra đường, tôi luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, vệ sinh nhà thông thoáng và bổ sung dinh dưỡng cho mọi người trong gia đình” - chị Huỳnh Thị Diễm Trang (huyện Phú Tân) chia sẻ.
Còn anh Bùi Hữu Nghĩa (chủ quán ăn ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho rằng, việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh đã tạo điều kiện để người dân duy trì công việc, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời điểm còn sống chung với dịch bệnh thì phải luôn đề cao cảnh giác, tuân thủ thông điệp “5K” và thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Do đó, khi khách vào quán, anh luôn nhắc nhở họ quét mã QR, rửa tay sát khuẩn, ngồi đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Là tiểu thương buôn bán tại chợ, mỗi ngày, chị Lê Thị Kim Thoa (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, chị chủ động mang khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách trong suốt thời gian bán hàng. Chị Thoa chia sẻ: “Từ khi xuất hiện dịch bệnh đến giờ, khi ra chợ bán, tôi đều đeo khẩu trang và thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Tôi mang theo chai cồn sát khuẩn tay cho khách hàng”.
Trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn luôn tiếp tục chực chờ tấn công khi chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường về sức khỏe và tính mạng.
Do đó, đòi hỏi mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và phát triển mang lại cuộc sống khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.
TRỌNG TÍN