Số hộ dân tập trung tại 2 ấp Phú Cường A và Phú Cường B là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi được hỏi về nhu cầu sử dụng nước sạch, ông Khưu Văn Chẹt không khỏi bức xúc: “Tôi sống đầu nguồn nước của sông Tiền, rất thuận lợi về nguồn nước nhưng lại khó khăn trong sử dụng nước sạch. Gia đình tôi là một trong những hộ đăng ký sử dụng nước sạch từ các cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, do lượng nước cung cấp không đủ nên hàng ngày phải thức từ 3 giờ khuya đến 6 giờ sáng để hứng nước sinh hoạt. Nếu không hứng thì xem như cả ngày không có giọt nước để nấu cơm, rửa chén. Đó là chưa kể nguồn nước từ các cơ sở cung cấp không đảm bảo chất lượng như ký kết ban đầu, nước không trong, không qua lắng lọc”. Hộ ông Đinh Văn Sung cũng trong tình cảnh tương tự, nước máy không đủ xài, vệ sinh không đảm bảo. Mỗi tháng, gia đình ông đóng 60.000 đồng để sử dụng nước máy từ tư nhân. Hàng ngày trữ nước 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa vừa đủ sinh hoạt. Ngán ngại nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, gia đình ông mua nước đóng bình để uống.
Hiện tại, nguồn nước do cơ sở tư nhân cung cấp và người dân tự trữ đều không đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt lẫn vệ sinh.
Trước đây, khi nguồn nước sông chưa ô nhiễm, người dân gánh nước lên sử dụng là chuyện bình thường. Từ ngày có điện, nhà nước chủ trương cho các trạm cấp nước “mini” hoạt động đến nay. Hộ ông Nguyễn Anh Dũng do không hài lòng với chất lượng và nguồn nước được cung cấp nên gia đình đã đầu tư máy bơm, rút nước trực tiếp từ dưới sông để sinh hoạt. Ông Dũng cho biết, nước sông chỉ qua xử lý thô sơ nên được sử dụng cho sinh hoạt thông thường, còn ăn, uống thì phải mua nước đóng bình như hầu hết các hộ tại địa phương. Hơn 1.700 hộ đang sử dụng nước thô bơm từ sông lên là giải pháp “cực chẳng đã” phải làm. Cách “xử lý” thông dụng nhất là… "lóng phèn" để nước trong rồi sử dụng. Họ đều lo lắng vì theo khảo sát của tỉnh, nguồn nước tại khu vực này không đảm bảo. Chuyện những bè cá chết nổi trắng sông từ khu vực xã Long Hòa cách đây 2 năm ảnh hưởng theo hạ lưu đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh của bà con. Trong khi đó, giải thích cho tình trạng cấp nước không đảm bảo, các trạm tư nhân đưa ra rất nhiều nguyên do. Đối với tình trạng này, người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương rất nhiều lần. Theo đó, lãnh đạo địa phương trao đổi và làm việc với các chủ cơ sở cung cấp nước, song vẫn không cải thiện tình hình.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Trần Thanh Nguyên thông tin, hiện tại địa phương chưa có hệ thống nước sạch do Xí nghiệp Điện nước Phú Tân cung cấp. Công suất và năng lực phục vụ của 3 cơ sở cung cấp nước tư nhân hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu số hộ đang đăng ký cũng như đảm bảo về nguồn nước cho 100% hộ dân. Giải pháp sắp tới, địa phương kiến nghị UBND huyện Phú Tân và Xí nghiệp Điện nước Phú Tân lắp đặt hệ thống nước máy cho địa phương. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ làm việc với các cơ sở đang phục vụ để mở rộng quy mô, nâng công suất, đặc biệt đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho bà con sinh hoạt. Đối với những hộ đang sử dụng nước thô từ sông, trong các buổi họp dân, địa phương thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền lồng ghép kiến thức về xử lý, lắng lọc nước, đặc biệt là trong mùa lũ để đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe.
Theo lộ trình, đến năm 2020, xã Phú Thạnh sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương và người dân đều mong mỏi nhu cầu nước sạch sẽ được giải quyết càng sớm càng tốt.
NGUYÊN ĐĂNG