Người đi thắp lửa

13/04/2024 - 15:14

Gió thanh bình. Không gian xanh ngát. Giọng lão Đoàn gọi lớn. Các cháu lại đây, lại đây ông cho kẹo. Lũ trẻ vây quanh lão Đoàn, mặt đứa nào cũng hí hửng, vui thích đưa cánh tay của mình ra chờ đợi. Sự xuất hiện của lão ở quán nước dưới tán đa cổ thụ làm không khí ở góc làng trở nên náo nhiệt. Hoa sử quân tử vừa duyên dáng vừa rực rỡ đang khoe sắc trên giàn phía bên.

Nhận được kẹo, lũ trẻ ngấu nghiến nhai, có đứa còn vuốt tóc, vuốt má lão như lão đã từng vuốt lên rễ cây đa này. Bà hàng nước cười tít cả mắt: “Ông cứ khao bọn trẻ như thế nên lúc nào chúng cũng muốn gần ông”. “Vâng bà ạ, cây cối, hoa cỏ khao tôi, bây giờ tôi khao lại bọn trẻ. Cũng vui mà”.

***

Hai chục năm qua, lão Đoàn vẫn xởi lởi làm thế. Có đứa trẻ là con của những đứa trẻ ngày trước vẫn nhận kẹo từ tay lão. Hôm nay, lão khao trẻ con trong xóm kẹo, lý do là vừa rồi lão được ủy ban xã đề xuất lên ủy ban huyện khen đột xuất cho lão vì làm rực rỡ một vùng nông thôn. Lão có công trồng hoa đường làng ngõ xóm. Trước đây những chỗ đó chỉ toàn bụi rậm, cỏ mọc hay nơi người ta đổ rác. Vợ chồng lão có hai con gái, nghe đâu lấy chồng ở miền Nam, làm ăn cũng phát đạt lắm, nhưng bận bịu ít khi về. Chỉ gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ.

Minh họa: Hiền Nhân

Vợ lão cũng bệnh tật quanh năm, lão phải đưa đi hết bệnh viện nhỏ đến bệnh viện lớn, rồi đưa bà đi bốc thuốc nam, thuốc bắc của những lương y quanh vùng. Tiền nong con cái biếu chỉ đủ chữa bệnh cho bà nhà và hai người ăn uống tằn tiện. Có thời gian lão trồng ít rau để cải thiện, rồi trồng hoa cho ngõ xóm để cuộc sống êm dịu. Cũng là để mỗi ngày, vợ lão nhìn hoa mà thêm sức chống lại bệnh tật.

Nhưng rồi tật bệnh ác nghiệt vẫn chẳng buông tha bà. Bà nhà mất đi, để lại một khoảng trống chẳng thể lấp đầy trong lão. Mắt lão từ đó cứ chong chong, u buồn. Con cái ở xa về, lo liệu xong công việc, một tuần rồi cũng đi. Nhà chỉ còn mình lão, với một chú chó và một con mèo. Lão nghĩ, đi ra đi vào mãi cũng buồn chân chán tay. Nên lão lấy công việc làm vui, đó là dạy mấy đứa trẻ trong xóm học bài. Giọng lão khi nói với trẻ con thật… “vào tai”, đứa nào đứa nấy thích thú. Nhờ lão chúng tiến bộ hẳn, học mỗi năm mỗi lớp, có đứa còn được nhà trường tặng giấy khen. Lão coi đó là tấm vé trở về tuổi thơ của mình.

Ý tưởng từ con ngõ quanh năm hoa nở, lão nói chuyện với trưởng thôn và cán bộ ủy ban cho mình thắp hoa lên những con đường, con ngõ của làng Lượm. Việc gì chứ việc ấy thì ai cũng ủng hộ. Thế là lão tỉ mẩn đi hỏi chỗ mua giống. Mà cứ phải những thị tứ có giống tốt cơ. Một hôm lão lễ mễ chở xe máy, mang về những thứ cây dễ trồng, dễ sống nhất, có cây đã trổ sẵn hoa. Nào cẩm tú cầu, dừa cạn, sử quân tử, rồi trạng nguyên, ngũ sắc. Người vui miệng bảo, lão chở về cả một mùa xuân. Mà lão trồng có “quy hoạch” hẳn hoi. Mỗi đoạn, mỗi khu vực là một loài hoa, thẳng thớm, tưới tắm cẩn thận. Vài người làng bảo lão nhớ vợ nên muốn thắt nơ cả bầu trời. Người khác đồn lão muốn chinh phục mấy chị góa chồng còn ngon con mắt bán quần áo ở xóm chợ. Nhưng chẳng ai nhìn thấy lão tiếp cận các chị kia bao giờ.

Giờ sắp vào hạ, càng thấy những đường hoa lão trồng thật ý nghĩa khi cỏ cây hoa lá có thể xua bớt cái nóng. Nhưng mát mẻ hơn, là tình cảm, cách nghĩ, cách làm của lão đã lan tỏa sang những người khác. Mà ở mỗi vùng nông thôn, có những cách nghĩ, cách làm như thế, thật tốt biết bao.

Lúc nào lão cũng chăm hoa cho làng như chăm con. Khi vui còn đủng đỉnh hát và huýt sáo, làm bầy chim ở tán cây cũng vui đáo để, xôn xao vui múa. Thế là người ta bỏ ý nghĩ về chuyện lão định “tăm tia” mấy chị góa, lại đồn rằng lão hâm, bị trời đày ải. Có người nghĩ ác còn bảo lão muốn lấy lòng tất cả người làng với mục đích xấu. Đám thanh niên choai choai tìm cách trêu ghẹo, lấy lão làm trò cười. Lão bỏ ngoài tai tất thảy, cứ nhảy bổ vào đời sống mà làm việc nghĩa một cách vô điều kiện. Cánh có chút học hành, các bô lão trong làng hể hả hiểu bụng lão. Lão Đoàn cần gì mấy thứ hư danh, chỉ muốn làm điều tốt thôi. Nhà cửa đàng hoàng, ăn uống chả là bao, lại có một chút chế độ bệnh binh, con cái đều đặn gửi tiền phụng dưỡng. Lão có thiếu tiền tiêu đâu mà bảo trời đày ải.

Có điều lạ chẳng ai nhận ra: Từ khi lão Đoàn trồng hoa ven đường thì năm sau tệ nạn trong làng vơi dần. Phải đến năm thứ ba thì người ta mới đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, vì sao tệ nạn dần dần giảm ở cái vùng quê đang đô thị hóa này? Người đầu tiên đặt câu hỏi là anh giáo Xây. Chắc lẽ dạy môn giáo dục công dân kiêm văn nên anh nhạy cảm. Ô hô, cái làng này nằm sát thị trấn, đợt mở đường cao tốc qua và mấy cái dự án, chả lộn nhộn nhận đền bù, rồi thanh niên dính vào nhiều trò ăn chơi trác táng. Từ đó lây lan nhiều tiêu cực. Anh Xây nghĩ nếu không có lão Đoàn thì cơn bão ấy bao giờ mới tạm lui. Làng phải cảm ơn vì lão vì thắp sáng làng bằng những đóa hoa giản dị.

Hoa như người đi hội, xua cái tục tằn, nặng nề đi xa. Hoa đẩy các tệ nạn vào vùng tăm tối của chúng. Hoa khơi mở những cái đầu, thông cái tuệ nhãn. Lão còn dạy bọn trẻ học tấn tới. Khi những cái đầu được khơi mở, nhét vào đó ý nghĩa chăm học, tự trọng thì bọn trẻ biết ham cái chữ, khát những chuyến vượt ra khỏi cổng làng. Bọn chúng chẳng còn ham hố tụ bạ chém gió, bày mưu làm bậy. Vài bô lão nghe anh Xây nói thế, đến hỏi cho rõ. Họ hỏi anh: “Này nhé, thế anh nghĩ là do lão Đoàn trồng hoa, nên dân trí được nâng lên phỏng?”.

Anh Xây phân tích: “Đúng quá đấy ạ. Các cụ ta nói, gần đèn thì sáng. Cháu chỉ cần suy luận thế này, lão Đoàn trồng hoa, tất cả mọi người được gần hoa, gần hương. Mà hương sắc của hoa tự nó làm không gian đẹp và có sức sống. Nó như biết xui khiến con người ta bớt điều ác, giảm cái nóng nảy, tiêu hao cái hèn hạ mà tôn cái thanh cao lên. Đấy, bây giờ còn khối người chẳng đọc sách, nhưng chơi sách. Họ bày sách đầy tủ để con họ lớn lên bên sách, cũng mong sách cải hóa, làm chúng ngoan hơn, biết nghĩ hơn…”. Các bô lão gật gù. Nói phải lắm. Chính các bô lão là người ủng hộ lão Đoàn trồng hoa. Nay những người có uy tín nghe ra vấn đề, càng đứng ra khen ngợi lão Đoàn.

Hôm rồi, lão Thiện đến nhà gặp trưởng thôn, đề nghị trưởng thôn kiến nghị xã có hình thức khích lệ lão Đoàn. Người già không cần tiền bạc, nhưng cái sĩ diện nó đáng giá lắm. Chả gì người ta cũng làm đẹp cho làng ngần ấy năm. Lão Thiện cũng rỉ tai trưởng thôn: “Này, anh hiểu ra chuyện gì chưa thế?”. “Chuyện gì là chuyện gì ạ?”. Khi trưởng thôn còn chưa hết ngơ ngác thì lão Thiện nói ngay: “Làng này được phúc là nhờ lão Đoàn đấy. Nghĩ sâu mới thấy lão thâm thúy. Đúng là…”. Trưởng thôn hỏi lại: “Tức là thế nào ạ?”. “Anh chậm hiểu thật đấy. Này nhá, thường ngày anh vẫn thấy lão Đoàn dọn cỏ rác, trồng hoa đúng không? Lão ấy trồng hoa lấn cỏ rác thật. Nhưng sâu xa hơn là lão âm thầm dọn cái rác, cái xấu trong lòng người đấy. Và cũng thành công đấy. Anh chả tự biết tệ nạn đã giảm rất nhiều. Trước kia sểnh ra cái gì mất cái đó. Giờ thì an yên rồi…”. Nghe thế, trưởng thôn vỗ đùi đánh đét. “Đúng. Đúng là kỳ tài!”.

Ai chứ lão Thiện thì vẫn ngồi cà kê, thưởng trà với lão Đoàn lúc ngơi tay. Trước đây lão chỉ nể lão Đoàn một phần, nay nghe anh Xây nói, lão nể mười. Lão Thiện là trưởng một họ lớn trong làng, được kính nể. Lão chỉ nói một câu cả trăm người cứ ca ngợi lão Đoàn không ngớt. Có đợt tổng kết năm, lão được mời lên ủy ban xã nhận quà, rồi phát biểu. Chương trình được thuật lại trên truyền thanh xã trong cả ba ngày Tết. Một hôm lão Thiện đến chơi. Trong lúc vui, lão Thiện hỏi lão Đoàn:

- Ông cứ làm không công như thế, có thấy mệt, thấy bận không?

Lão Đoàn gật gù, cười:

- Vì làng vì nước, tôi vui nên không mệt.

Lão Thiện nâng chén trà lên, bằng cả hai tay, nói lời cảm ơn. Lão nói rằng mình không đủ dũng khí để làm được như lão Đoàn. Cả buổi, những lời nể trọng được thốt ra nhiều, chính lão Đoàn cũng thấy mình hơi ngượng. Rồi lão Đoàn mở lời:

- Tôi thấy mình vẫn chưa làm được gì nhiều. Có điều này, tôi muốn ông ủng hộ. Ông chỉ nói một tiếng thì người ta nghe ngay. Đó là chuyện ăn đụng, gói bánh chưng, rồi trồng một ruộng hoa chung để cả làng chơi dịp Tết. Đó là tôi có ý tưởng vậy, tôi cũng đã định nói với ông, với trưởng thôn và một vài người khác.

Thêm một sự táo bạo nữa! Lão Thiện cảm thán. Những năm trở lại đây, nhiều người đã nói về chuyện ngày Tết nó nhạt nhẽo, chả có tinh thần, không khí. Ý tưởng của lão Đoàn thật tuyệt.

- Vậy mà sao tôi không nghĩ ra nhỉ? Chỉ có ông, ông Đoàn ạ, ông khiến tôi và nhiều người ở làng tâm phục khẩu phục đấy.

Lão Thiện lại nâng chén trà lên, bùi ngùi. Chợt đôi mắt lão Thiện chùng xuống, ẩn tàng một nỗi lo lắng. Lão Đoàn hỏi, lão Thiện trả lời:

- Chả là, bọn trẻ bây giờ đứa nào cũng thích tinh gọn để còn đi chơi. Các gia đình họ đón xuân theo cách của họ, nhợt nhạt, qua quýt, còn đâu cái cầu kỳ, khuôn phép như ngày xưa… Đó là việc khó thay đổi.

Lão Đoàn đã tính trong đầu từ trước. Có những cái khó thay đổi, nhưng chỉ là vì cảm giác như thế thôi. Nếu có người dám đi ngược lại, chỉ ra cái cần thiết phải tự phục dựng cảm giác Tết xưa, chậm, ý nghĩa, thì phải tìm cách thuyết phục, phải làm cho dân làng thấy được cái hay của điều đó. Tết cổ truyền phải thật sự là Tết cổ truyền.

Lão Đoàn trân trọng những lời vừa rồi, cũng hai tay nâng trà. Lão bảo thêm:

- Chúng ta là những người đi trước, hiểu gì thì bảo cho bọn trẻ. Bọn trẻ nó sống nhạt, đến ngày Tết mà cũng nhạt là lỗi của chúng ta. Ông có thấy thế không? Khó, nhưng ta sẽ vẫn đi, vẫn làm. Ông ủng hộ, tôi nghĩ sẽ được.

Ý tưởng của lão Đoàn thành hiện thực. Nhanh và gọn hơn những gì các bô lão tính toán. Hoa tốt bời bời, đa sắc trên thửa ruộng của làng Lượm. Hoa được chia cho người làng, mỗi hộ gia đình hai bó chơi xuân. Ngay từ lúc trồng hoa để “đụng hoa”, lão Đoàn đã thúc bách đám thanh niên trong làng phải mạnh dạn tổ chức đụng lợn, bảo nhau gói bánh chưng. Thời gian trôi nhanh quá. Những cái Tết trôi qua cũng nhanh. Nhưng nó sẽ chậm lại khi ta biết tìm cách… hãm phanh. Vậy là năm nay các xóm rỉ rả đụng lợn. Từ đầu tháng Mười hai âm lịch các gia đình đã họp bàn. Từ hôm cúng ông Công ông Táo là đã thấy xuân thật sự về. Trưởng thôn lúc đó ngồi họp với các bô lão, có cả lão Đoàn. Họ tính những năm sau, giao Chi hội Phụ nữ thôn đảm nhận việc trồng hoa cho cả làng… đụng. Chi hội Phụ nữ biết tin, nhận ngay. Bản hương ước được lập chỉ trong một nốt nhạc!

***

Giờ sắp vào hạ, càng thấy những đường hoa lão trồng thật ý nghĩa khi cỏ cây hoa lá có thể xua bớt cái nóng. Nhưng mát mẻ hơn, là tình cảm, cách nghĩ, cách làm của lão đã lan tỏa sang những người khác. Mà ở mỗi vùng nông thôn, có những cách nghĩ, cách làm như thế, thật tốt biết bao.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Theo Báo Bắc Giang