Người đi tìm nghĩa – Kỳ cuối: Nước mắt quê hương

27/07/2022 - 17:02

 - Gần 4 tháng “nằm gai nếm mật” ở trong rừng, Đội K93 dần kết thúc hành trình đi tìm đồng đội đã khuất trên chiến trường Campuchia, giai đoạn mùa khô 2021-2022. Yêu thương, nghĩa tình hòa quyện cùng mồ hôi, nước mắt, biến vất vả gian lao thành sức mạnh, các anh đã đưa nhiều liệt sĩ “trở lại” quê hương.

Trong khi bộ phận đóng quân tại tỉnh Takeo sốt ruột vì ngày qua ngày trôi đi trong im ắng, thì bộ phận đóng quân tại tỉnh Kampong Speu lại liên tiếp nhận tin vui. Ở một cánh rừng thuộc huyện Basedth, theo hồ sơ lưu trữ cũ, nơi đây có nhiều liệt sĩ Việt Nam được chôn cất. Dấu mốc tìm kiếm là một lò than, người dân địa phương tận dụng đốt củi. Nhưng thời gian đã xóa nhòa mọi dấu tích cũ. Tương tự như ở núi Som, năm nào qua Campuchia, đơn vị cũng dành thời gian tìm kiếm, quyết không bỏ cuộc.

Trời không phụ lòng người. 9 giờ, ngày 4/4/2022, tức ngày thứ 7 sang Campuchia làm nhiệm vụ, Đội phát hiện 2 bộ hài cốt đầu tiên. Người dân đi rừng phát hiện, thông báo ban chuyên trách đội. Lần này, các anh vừa đào là gặp ngay. Mấy lần trước “đào hụt” bởi trớ trêu ở chỗ, cũng ngay vị trí cũ, nhưng bị sai lệch chút đỉnh do địa hình, địa vật thay đổi. Hai bộ hài cốt nằm cạnh nhau, còn có võng ny-lon, dây thắt lưng và 2 đôi dép râu bộ đội Việt Nam. “Tin vui này mở ra hành trình khả quan cho đội, thúc đẩy tinh thần anh em hiệu quả lắm” – đại tá Nguyễn Quốc Thông (Đội trưởng Đội K93) bày tỏ trong niềm xúc động.

Ngày 11/4/2022. Cách vị trí hôm trước 300m, cán bộ, chiến sĩ tìm thêm 1 bộ hài cốt khác. Tuy nhiên, phần xương còn lại rất ít, không có di vật gì ngoài đôi vớ bộ đội. Các anh ngậm ngùi: Có lẽ do thời điểm ấy tình hình không cho phép, liệt sĩ được chôn vội, không đúng quy cách, nên xương cốt bị rã mục, hòa vào đất. Nhưng thôi, tìm thấy là mừng lắm rồi! Cứ như thế, trong vòng 3,5 tháng, bộ phận tại Kampong Speu tìm được 25 bộ hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Tại tỉnh Takeo, tình hình vẫn chưa có gì khả quan. Theo thông tin cựu chiến binh Việt Nam gọi sang, Ban Chỉ huy Đội xin ý kiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, tạm rời huyện Kiri Vong, tranh thủ hành quân dã ngoại sang huyện Pray Chusa. Hơn 10 ngày tìm kiếm tại đây, vẫn là nỗi thất vọng. Nhưng bù lại, cả đội được sống trong một câu chuyện ấm tình quân dân 2 nước. Vị trí quy tập rất xa, địa hình khó đi, chỉ có thể di chuyển bằng vỏ lãi mới tải hết người lẫn phương tiện của Đội. Thấy vậy, nhiều người dân Campuchia nhiệt tình chở đội đi, không nề hà vất vả. Đến nơi, khoảnh đất cần đào tìm là 4-5 công lúa đang ngậm sữa vào hạt. Không để cán bộ, chiến sĩ của Đội băn khoăn, chủ đất bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đội đào tìm hài cốt liệt sĩ. Thậm chí, họ hỗ trợ máy Kobe, tài xế, tất cả cùng ăn, cùng ở, cùng làm trong suốt 10 ngày.

Quý ở chỗ, họ không có người thân ở Việt Nam, cũng không có người thân liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng họ sẵn sàng thể hiện trách nhiệm của một công dân Campuchia đối với Việt Nam. “Người dân dặn đi dặn lại chúng tôi, sau này, nếu có thông tin, cứ quay lại tìm kiếm, thiệt hại hoa màu bao nhiêu họ vẫn chấp nhận. Chúng tôi rất cảm kích, đã bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân. Chỉ tiếc rằng, một lần nữa lại lỗi hẹn với các chú liệt sĩ!” – thượng tá Nguyễn Văn Xuyên (Phó Đội trưởng Đội K93) chia sẻ.

Rồi thì tin vui cũng đến với bộ phận đóng quân tại Takeo, sau 80 ngày đằng đẵng. Ngày 23/6/2022, tức ngày thứ 81 làm nhiệm vụ tại huyện Kiri Vong, các anh phát hiện bộ hài cốt đầu tiên. “Chúng tôi phân biệt rõ đâu là liệt sĩ Việt Nam, phần lớn nhờ di vật quấn cao su. Mỗi khi đào bới mà nghe tiếng cao su vang lên cái “tẹt”, bao nỗi mệt mỏi của chúng tôi đều tan biến. Tất cả đều hô hào, mừng rỡ: “Thấy rồi! Thấy mấy chú rồi!”. Gần 20 năm công tác trong đội, cảm xúc của tôi vẫn như ngày đầu, thiêng liêng lắm!” – thượng úy Hồ Thanh Tâm, nhân viên quy tập của đội, kể lại.

Sơ đồ tìm thấy các hài cốt liệt sĩ tại Takeo

Liên tiếp sau đó, đội tìm thấy 5 bộ ở gần nhau. Cộng với 10 bộ tìm kiếm được trong nội địa trước đó, 25 bộ tại Kampong Speu, toàn đội tìm được 41 hài cốt liệt sĩ, kết thúc đợt quy tập tại Campuchia năm 2022. Cũng đã đến lúc trở về quê nhà... Các anh trở về lúc này, còn chút thời gian chuẩn bị lễ cải táng hài cốt liệt sĩ (dự kiến vào ngày 25/7/2022).

  3 giờ, ngày 15/7/2022. Ai nấy nôn nao không ngủ được, thức dậy lục đục nấu nước pha trà, nấu mì. Đồ đạc sắp xếp gọn gàng từ hôm trước rồi, giờ chẳng còn gì để dọn nữa. Trà pha xong, uống sao nhạt miệng. Mì nấu xong, mà bồn chồn nuốt không trôi. Thượng úy Hồ Thanh Tâm bảo, anh thèm bánh mì thịt của quê mình quá, ngán mì gói lắm rồi! Trời chưa hửng sáng, Ban Chỉ huy Đội quyết định lên đường. Đoạn đường trở về cố hương xen lẫn niềm vui của người sống lẫn người đã khuất. Về tới biên giới Việt Nam, mà đâu đó là nỗi niềm rưng rưng, bồi hồi. Các anh buồn lắm, khi biết chắc rằng còn nhiều chú bác liệt sĩ nằm lại xứ xa, chưa thể đưa về chuyến này…

7 giờ 30 phút. Ở doanh trại Đội K93, trong khi Đội đang làm thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) bước vào nhà lưu giữ hài cốt, thắp nhang cho anh linh liệt sĩ. Ông bày tỏ: “Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh COVID-19 tuy được kiểm soát, nhưng tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại. Dù vậy, rất mừng là với quyết tâm cao, sự giúp đỡ, quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong nước và Campuchia, Đội K93 nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm tổ chức kỷ luật, quy định trong nước cũng như nước bạn. Khi về nước, đội vẫn tiếp tục thu thập thông tin, khảo sát, cập nhật thông tin có liên quan, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trong nội địa. Dự kiến, tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, đội tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tại Campuchia”.

8 giờ. Các đoàn xe lần lượt tiến vào doanh trại. Chúng tôi gặp lại từng gương mặt thân quen, nay đen sạm nắng gió, đầy mệt mỏi. Các anh vừa chất đồ đạc xuống, chưa kịp lau mồ hôi, trời bỗng đổ cơn mưa như trút nước. “Năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ. Khi chúng tôi đưa các bộ hài cốt liệt sĩ về tới địa phận Việt Nam, trời đang nắng đẹp đến đâu cũng bất chợt mưa lớn vài chục phút mới tạnh. Không thể lý giải được, giống như nước mắt quê hương chào đón những người con đi xa trở về…” - đại tá Nguyễn Quốc Thông tâm sự.

Một tiếc nuối khác là tất cả hài cốt tìm kiếm được năm nay đều khuyết danh, không biết thông tin cụ thể của liệt sĩ để thông báo cho người thân đến nhận hài cốt, tham dự lễ cải táng. Những năm trước, doanh trại Đội K93 chứng kiến biết bao nước mắt của người còn sống. Họ dành mấy mươi năm đi tìm anh, tìm cha, tìm họ hàng hy sinh ở biên giới Tây Nam. Từ lúc còn trẻ, đến nay tóc họ phai màu, tuổi ngày càng cao, mà vừa vào tới cổng đơn vị, họ khóc như một đứa trẻ. Bao thương xót, cảm kích, nhớ thương hóa thành tiếng nấc nghẹn. Nỗi tuyệt vọng thay thế bằng vỡ òa tìm thấy liệt sĩ, sao mà vẫn đau quặn tâm can…

Chia sẻ tiếc thương này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nguyện cầu: “Dù chưa rõ danh tính, quê hương các liệt sĩ, song Đảng bộ, quân và dân An Giang nguyện thay mặt nhân dân cả nước và gia đình các liệt sĩ chăm sóc và giữ gìn chu đáo phần mộ của các anh như chính người thân yêu, ruột thịt của mình. Xin hương hồn các liệt sĩ hãy xem tỉnh An Giang là nơi đất tốt, hiền hòa; bia mộ các anh sẽ mãi được ghi danh, gắn liền với quê hương An Giang. Các anh đã hy sinh thân mình để góp phần làm cho đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất; dân tộc bạn hồi sinh và tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững”.

Hành trình “người đi tìm nghĩa” ấy tạm khép ít ngày, rồi Đội K93 vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ không ngừng nghỉ. Tôi đọc được nỗi xót xa trong đôi mắt của những cán bộ, chiến sĩ gắn bó lâu dài với Đội. Có đi, có kề cận, có tiếp xúc nhiều trong hành trình này, mới thấu hiểu rõ điều ấy. Hàng chục ngàn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên các chiến trường, rất nhiều hài cốt còn nằm lại đâu đó, chưa thể tìm được.

“Khó ở chỗ, thời gian dài trôi qua, thông tin mai một dần. Khu vực dễ tìm, có mộ chí nhiều, Đội đã tranh thủ quy tập hết rồi. Những chỗ còn lại đều xa xôi, hiểm trở, đồi núi, khó tiếp cận. Xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với trách nhiệm cán bộ chiến sĩ thời bình, chúng tôi quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, đưa các chú, các anh về đất mẹ theo mong mỏi của người thân, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Giờ nào, ở rừng sâu núi thẳm nào, hễ có thông tin, toàn đội quyết tâm đi tìm bằng được. Chúng tôi sẽ hun đúc tinh thần cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, không bao giờ bỏ cuộc!” – đại tá Nguyễn Quốc Thông gửi gắm tâm tình, khép lại một hành trình ngắn đã qua cho bài viết của tôi.

Thông qua báo chí, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang rất muốn nhận được sự thông tin, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, cựu chiến binh, chính quyền, lực lượng vũ trang Campuchia để thông tin cho Đội K93, làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Nếu có thông tin gì về nơi chôn cất liệt sĩ trước đây, xin cung cấp cho đơn vị. Điện thoại Ban Chỉ huy 0296.3876.120; đại tá Nguyễn Quốc Thông (Đội trưởng) 0918.370.835; thượng tá Lê Đắc Thoa (Chính trị viên): 0918.584.015.

GIA KHÁNH