Người đi tìm nghĩa – Kỳ 2: Núi Som ngày nắng cháy

26/07/2022 - 17:01

 - Sau một đêm nghỉ ngơi, cán bộ, chiến sĩ Đội K93 chính thức bắt tay vào tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam giai đoạn XXI, mùa khô 2021-2022. Ngày mới của Đội bắt đầu từ sáng sớm, khi trời chưa tỏ mặt người.

4 giờ sáng, ngày 30/3/2022. Tiếng động và ánh sáng ở “dưới bếp” đánh thức chúng tôi. Khi cơn ngái ngủ chưa qua, khi ngày và đêm còn dùng dằng ranh giới, tất cả phải tranh thủ… ăn sáng. Không phải mì, hủ tiếu… như thường lệ, mà là cơm và các món kho. Kinh nghiệm cho thấy, kể cả khi khó nuốt, chưa đói, vẫn phải cố gắng ăn thật no, nếu không muốn mất sức ít giờ sau đó.

Con đường lầy lội khó đi sau cơn mưa

Đúng 5 giờ, thượng tá Nguyễn Văn Xuyên (Phó Đội trưởng Đội K93) leo lên chiếc xe gắn máy cà tàng, bắt đầu công việc quan trọng nhất: Khảo sát, nắm thông tin về mộ liệt sĩ xung quanh khu vực này. Con đường núi quanh co, nhỏ hẹp, chi chít dấu bánh xe, nhắc nhở vết tích cơn mưa đêm trước đó.

Trung tướng Tuoch Loul (áo tay dài) hỗ trợ Đội K93 dựng lều trại

Trung tướng Tuoch Loul rót trà, hàn huyên với “những người bạn cũ” từ Việt Nam sang làm nhiệm vụ

Chúng tôi gặp một nhân vật đặc biệt - trung tướng Tuoch Luol (nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Takeo). Ở tuổi 72, ông là người có uy tín, am hiểu địa hình và lịch sử địa phương, từng cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho Đội. “Về hưu lâu rồi, nhưng từ năm 2001, khi Đội K93 mới thành lập, tôi tham gia hỗ trợ xuyên suốt đến nay. Nhờ vậy, tôi có kinh nghiệm trong đào tìm, nắm thông tin liệt sĩ Việt Nam” - trung tướng Tuoch Luol chia sẻ. Ông cũng là người đồng hành cùng Đội trong các chuyến khảo sát.

Chúng tôi theo chân họ đi ngang, rồi đi dọc theo sườn đồi, bọc ngược qua vườn trái cây của người dân, đụng con suối vắt ngang đường nên quày xe ngược lại. Không phải lần đầu tiên Đội K93 làm nhiệm vụ tại đây. Ngược lại, 20 năm qua, họ đã rất nhiều lần đào bới, tìm kiếm từng vết tích, chia nhỏ địa bàn, gần như thuộc làu mỗi gốc cây, mảnh núi. Hy vọng nhiều, mà thất vọng cũng nhiều. “Ở khu vực này, theo hồ sơ dữ liệu để lại, thông tin mấy chú cựu chiến binh cung cấp, phải vài trăm hài cốt liệt sĩ Việt Nam được chôn cất chứ không ít. Trong đó, liệt sĩ nằm tập trung ở quân y, nghĩa trang thời chiến. Chỉ tiếc, thời gian, sự phát triển đô thị làm xáo trộn địa hình. Chúng tôi chưa tìm được dấu tích cũ. Số hài cốt tìm được, chỉ tầm 30-40% mà thôi” – thượng tá Nguyễn Văn Xuyên nhẩm tính.

Tới một đoạn đường nhỏ, trung tướng Tuoch Luol dừng xe, khẳng định: “Đây là khu vực đóng quân lớn của bộ đội Việt Nam, có một quân y. Hồi xưa, bà con đi chăn bò, phát hiện hài cốt rất nhiều. Thời điểm đó phần lớn khu vực là rừng rậm, không trống trải như bây giờ. Người lớn tuổi dần qua đời, còn người trẻ thì chỉ nhớ mang máng theo lời kể của cha ông. Họ từng chỉ vị trí cho Đội K93, nhưng chưa chính xác, đào cả tuần lễ không thu được kết quả gì”.

Ông Um Sóc (mặc quân phục Campuchia) chỉ vị trí đất có khả năng tìm thấy hài cốt liệt sĩ

Cùng lúc này, ông Um Sóc chia sẻ thông tin: “Tôi là chủ đất, canh tác lâu năm ở đây. Hồi trước, tôi thấy có mộ nằm trên đất, không biết của ai, nhưng chắc chắn là của bộ đội Việt Nam. Xưa là đất rừng, qua thời gian dài, quá trình khai thác máy móc làm mất luôn mộ. Bây giờ tôi chỉ nhớ mang máng ở chỗ có gò mối, gốc me…”.

10 giờ. Nắng càng lúc càng dữ dội, xuyên qua quần áo mà xoáy vào da thịt. Chúng tôi vẫn tiếp tục rong ruổi từ vườn này qua suối nọ. Đi một chốc, các anh dừng quan sát, phân tích địa hình, kết nối dữ liệu cũ và mới. Gặp bất kỳ người dân đi thăm vườn, đi ngang đường, các anh đều gọi nán lại, hỏi thăm xem đất này của ai, có đặc điểm gì liên quan đến mộ chí hay không. Phần lớn câu trả lời là… cái lắc đầu. Người dân canh tác ở đây chưa lâu, hoặc còn quá trẻ, chẳng biết chuyện của thời trước. Thượng úy Chau Him (nhân viên quy tập, kiêm luôn vai trò phiên dịch viên của Đội K93) ghi nhận chút thông tin ít ỏi vào cuốn sổ nhỏ. Một buổi sáng trôi qua, dữ liệu thu thập được chẳng khả quan gì…

Thượng tá Nguyễn Văn Xuyên ghi chép lại thông tin ít ỏi tìm được hôm nay

Cán bộ, chiến sĩ theo dõi thời sự Việt Nam vào chiều tối

Ăn sáng trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Chất dụng cụ lên xe

4 giờ 30 phút, ngày 31/3/2022. Vẫn như hôm trước, tôi thức dậy trong tiếng động đặc trưng của doanh trại. Tất cả cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị xong xuôi, trang nghiêm trong quân phục chuyên dụng của đội. Ăn sáng vỏn vẹn 15 phút, cán bộ, chiến sĩ bắt đầu lên đường. Đã quá quen với các chuyến đi, từng người tự mang vác dụng cụ lỉnh kỉnh, ra xe di chuyển. Chúng tôi ngồi cứng trong chiếc xe (cũng được gọi là “chuyên dụng”) của Đội, đến đoạn dằn xóc không còn chỗ trống mà bật nảy người lên.

Ban Chỉ huy đội thắp nhang cho hương hồn liệt sĩ trước đi đào tìm

Trung tướng Tuoch Luol thành kính ước mong tìm thấy hài cốt liệt sĩ Việt Nam càng sớm càng tốt

5 giờ 30 phút, mọi người có mặt tại địa điểm hôm trước ông Um Sóc chỉ dẫn. Đây là nơi có manh mối rõ nét nhất tính đến thời điểm này, nên Ban Chỉ huy đội quyết định bắt tay vào tìm trước. Thật ra, mấy năm nay, đội liên tục khảo sát, tìm kiếm khu vực này, nhưng chỉ nhận về thất vọng. Gò mối thì chỗ này chỗ khác dày đặc, gốc me thì vật đổi sao dời, biết đâu mà xác định! Đào ngang, rồi đào dọc theo đất, phát hiện chệch hướng thì lần sau đào hướng khác. Cứ vậy, nhiều năm ròng, liệt sĩ nằm đâu đó núi Som vẫn là điều day dứt của cả đội.

9 giờ. Sáng hôm ấy điển hình cho câu nói “Thời tiết ở Campuchia rất khắc nghiệt”. Đêm nào cũng mưa giông, sấm sét liên tục. Vừa chuyển sang ngày thì nắng nóng đổ lửa, đứng trong bóng râm vẫn nghe hầm hập. Đại úy Nguyễn Văn Kịch đào được 3-4m3 đất, nghỉ ngơi giây lát rồi chuyển sang đào đường thứ 2. Anh phấn đấu tới giờ nghỉ trưa sẽ đào thêm 2 đường tương tự.

Đại úy Nguyễn Văn Kịch chỉnh sửa dụng cụ trước khi tiếp tục đào tìm

Kinh nghiệm 20 năm tham gia đội giúp anh phân tích kỹ tình hình: “Khu vực này không lớn, nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu gì khả quan, có lẽ do người chỉ dẫn thiếu chính xác. Nếu mộ nằm trên gò mối, cần đào sâu xuống 1,2m, nằm dưới gò mối thì 1,4m. Đất ở đây gồm lớp đất mùn (lá cây mục) và sỏi. Nếu có hài cốt, đào một lớp sẽ thấy đất mềm, đổi màu đen. Thường, các chú bác chôn liệt sĩ quay đầu vào núi hoặc hướng Bắc, sâu 1m trở lại, vì chiến sự ác liệt, gấp rút, dụng cụ thô sơ. Quá trình tìm kiếm, chúng tôi sẽ đào sâu hơn, để tránh bỏ sót hài cốt”.

Đặc thù đất ở Vương quốc Campuchia rất khác với Việt Nam, buộc cán bộ, chiến sĩ phải thật sự am hiểu, có kinh nghiệm. Từng hố đất được đào sâu hơn 1,2m, không bỏ sót vị trí nào, nhằm tăng cơ hội tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Sau đó, họ lấp đất, trả lại hiện trạng nguyên vẹn, đảm bảo không ảnh hưởng việc người dân canh tác, sinh hoạt trên đất sau đó.

10 giờ. Ngồi nghe chiếc radio rỉ rả bản tin giá cả thị trường của tỉnh An Giang, thượng tá Nguyễn Văn Được (Phó Đội trưởng) cất giọng trầm: “Chúng tôi chưa biết mình đang đi tìm liệt sĩ nào. Tìm được hài cốt các anh là một chuyện, tìm lại tên cho từng người lại là chuyện khác, phức tạp vô vàn. Cán bộ chiến sĩ ở chỗ này đào, Ban Chỉ huy đội chúng tôi lại đi khảo sát, nắm tình hình tiếp tục ở nơi khác. Vừa làm nhiệm vụ, vừa “canh ông trời”. Hễ thấy ổng chuyển mưa là mọi người quăng leng, cuốc ra xa, giăng võng, che tăng thật kín, núp vào đó chờ mưa tạnh”.

Ngày thứ 3 kết thúc, nhưng chẳng có bất gì khả quan gì. Nhưng đó lại là chuyện rất thường thấy của Đội. Gương mặt bắt đầu rám nắng, Dương Bá Mạnh (sinh năm 2000) chưa hề nghĩ rằng mình sẽ là thành viên của Đội K93, khi thi hành nghĩa vụ quân sự đợt này. Vóc dáng nhỏ bé không phải là trở ngại của quân nhân này. “Khó nhất là cuốc cho đẹp. Bởi vậy, tôi được hướng dẫn cuốc, đào thế nào để đủ lực, vẫn dưỡng sức lâu dài. Tối nào tôi cũng thấm mệt, ngủ một mạch đến sáng. Điều ấn tượng nhất là tôi từng chứng kiến các anh trong Đội đào được hài cốt liệt sĩ ở nội địa. Với “lính mới” như chúng tôi, mong muốn tự mình tìm thấy hài cốt càng mãnh liệt. Chỉ có điều, mọi thứ phụ thuộc vào may mắn nữa” – Mạnh bày tỏ.

Một chiến sĩ bị thương do gai đâm

…và được thượng úy Nguyễn Thanh Trung hỗ trợ

Thượng úy Nguyễn Thanh Trung (y sĩ của đơn vị) ôm khư khư túi thuốc bên mình, vừa làm nhiệm vụ quy tập, vừa quan sát tình hình anh em. “Trời nắng, đất cứng, thay đổi thời tiết, ai cũng cần thời gian thích nghi. Một số chưa thích nghi sẽ mắc bệnh thông thường như: Cảm, sổ mũi, nhức mỏi... Để tăng cường sức khỏe cho các thành viên, chúng tôi được chỉ định mua thuốc bồi bổ; bộ phận bếp tăng cường thức ăn dinh dưỡng hơn. Đặc biệt, tôi thường nhắc anh em đảm bảo an toàn lao động. Nhiều khi họ bị rách da do đạp gai rừng, mây, phải băng bó nhẹ. Có người còn mắc bệnh sốt rét, phát hiện đưa về cơ sở y tế điều trị. Đóng quân trong rừng, thường gặp nhất là rắn rít, côn trùng, sâu suôn, kiến, bò cạp. Nguy hiểm ở bất kỳ đâu, nên anh em đã có kinh nghiệm đối phó, kỹ lưỡng trong quá trình sinh hoạt, làm nhiệm vụ” – y sĩ Trung thông tin.

Ngày làm nhiệm vụ thứ 4, 5, 6… trôi qua. Đến ngày thứ 80, núi Som cứ nắng mưa thất thường, còn công việc vẫn giậm chân tại chỗ. “Anh em đào bới, tìm kiếm trong thời gian dài không hiệu quả, chắn chắn tư tưởng, tình cảm sẽ ít nhiều đi xuống. Buồn chứ sao không! Vừa xa nhà, vừa chịu đựng cảnh nắng nóng xen lẫn mưa bão, điều kiện sinh hoạt khó khăn, chúng tôi chỉ có ước mong duy nhất là tìm được càng nhiều hài cốt liệt sĩ càng tốt. Lễ cải táng sắp được tổ chức nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), chúng tôi sắp phải trở về nước, mà số lượng tìm được ít quá, day dứt lắm!” – thượng tá Nguyễn Văn Xuyên thở dài.

Khó, nhưng không thể đầu hàng thực tế. Cả đội lại tăng cường khảo sát, nắm thông tin, chia ra nhiều bộ phận tiếp cận người dân, đến những khu có có có thông tin, nhất là người lớn tuổi, có uy tín, sư sãi à cha… Núi Som lặng im nơi đó, chứng kiến biết bao trăn trở của Đội, những giọt mồ hôi thấm sâu vào rừng núi xứ người…

GIA KHÁNH

Còn tiếp (Người đi tìm nghĩa – Kỳ cuối: Nước mắt quê hương)