Người đi tìm nghĩa - Kỳ 1: Đêm mưa Takeo

25/07/2022 - 17:00

 - Lời tòa soạn: Loạt phóng sự này được phóng viên Báo An Giang thực hiện sau một thời gian dài theo chân đảng viên, cán bộ, chiến sĩ Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), ghi nhận quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên các chiến trường. Dù chỉ phản ánh những điều rất nhỏ bé so với hành trình 22 năm thực hiện nhiệm vụ của Đội K93, nhưng tác phẩm như lời tri ân sâu sắc dành tặng cho đội, để các anh tiếp tục vững bước “người đi tìm nghĩa”.

Chúng tôi khởi hành vào ngày 29/3/2022. Trước 6 giờ, tất cả có mặt tại thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nơi Đội K93 đóng quân. Bữa ăn sáng diễn ra vội vàng, vì ai nấy đều mang tâm trạng riêng. Đối với người lần đầu tiên làm nhiệm vụ tại Vương quốc Campuchia, sẽ là sự háo hức, mong chờ. Trước đó nhiều ngày, họ phải thực hiện hàng loạt thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh, với quy định chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Chưa kể, chuyến đi đã từng bị dời ngày, vì các nguyên nhân bất khả kháng.

Đối với cán bộ, chiến sĩ quá quen thuộc với nhiệm vụ này nhiều năm, họ lại có tâm tư lo lắng, băn khoăn. 2 năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia bị gián đoạn. Năm 2022, tình hình cơ bản được kiểm soát, Ban Chỉ đạo 515 Quốc gia, Quân khu 9 đồng ý cho Đội K93 tiến hành nhiệm vụ trên đất bạn. Chắc chắn sẽ có không ít thay đổi, không như thường lệ nữa. Nên các anh băn khoăn cũng là điều dễ hiểu.

 7 giờ. Thượng tá Lê Đắc Thoa (Chính trị viên Đội K93) tập hợp lực lượng, gửi gắm mấy lời dặn dò: “Quá trình hành quân, các đồng chí phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện. Nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, vì thế tất cả phải đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Đồng chí khỏe thì giúp cho đồng chí yếu. Cùng với đó, phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội Việt Nam, pháp luật nước sở tại. Đặc biệt, tăng cường công tác dân vận với nhân dân nước bạn Campuchia để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”.

7 giờ 5 phút. Chúng tôi tập hợp tại nhà lưu hài cốt của đơn vị, thực hiện nghi thức không thể thiếu trước khi lên đường: Thắp nhang cho vong linh Anh hùng liệt sĩ. Chẳng có bất cứ ước mong gì riêng tư, mà niềm mong ước duy nhất của cán bộ, chiến sĩ là sớm tìm thấy - càng nhiều càng tốt – hài cốt của liệt sĩ đã hy sinh, đưa về an táng tại đất mẹ Việt Nam. Nhang khói quấn quýt tâm tình người đi kẻ ở…

7 giờ 10 phút. Ai nấy tất bật kiểm tra lại tư trang, vật dụng, phương tiện làm việc của toàn đội, sắp xếp tất cả lên xe một cách gọn gàng nhất, ổn định chỗ ngồi. Những chiếc xe của đội đã cũ, được cải tạo lại để tải đồ đạc, nên hơi khó ngồi, thiếu sự mát mẻ mà thừa nóng bức. Đường đi rất xa, nếu phải ngồi “nhấp nhổm” thì khó chịu vô cùng.

7 giờ 20 phút. Đoàn xe lăn bánh ra Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Thượng tá Lê Đắc Thoa - chỉ huy duy nhất ở lại, chịu trách nhiệm “quán xuyến” đơn vị - bần thần tiễn đưa phần lớn cán bộ, chiến sĩ lên đường. Dự kiến, đến tháng 7/2022, mọi người mới trở về nước. Suốt thời gian này, ông trông ngóng tin tức phương xa, cầu mong may mắn và thuận lợi cho đồng chí, đồng đội của mình.

Sau 9 giờ, chúng tôi tiến dần vào nội địa Campuchia, sóng điện thoại Việt Nam dần mất hẳn. Đến địa phận tỉnh Takeo, một bộ phận của Đội dừng lại, di chuyển sâu vào khu vực hẻo lánh, rậm rạp cây cối, thuộc xã Kiri Chong Kaoh (huyện Kiri Vong, cách biên giới Việt Nam khoảng 20km). Các anh chịu trách nhiệm tìm kiếm hài cốt ở 3 huyện, gồm: Kiri Vong, Bourei Cholsar và Kaoh Andaet.

Hành trang mang theo của bộ phận làm nhiệm vụ ở tỉnh Kampong Speu

Bộ phận còn lại thẳng tiến đến tỉnh Kampong Speu, đúng giữa trưa mới đến nơi. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ tập trung tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại 5 huyện, gồm: Phnom Sruoch, Basedth, Kong Pisei, Thpong và Aoral.

Quét dọn chỗ nghỉ ngơi tại doanh trại quân đội nước bạn

Bữa ăn vội vàng giữa trưa

Các anh “đóng quân” tại một doanh trại quân đội của nước bạn, điều kiện sinh hoạt tương đối tốt hơn. Vừa đặt chân xuống, từng thành viên tất bật quét lau phòng ốc, kéo bàn làm giường ngủ, cất gọn dụng cụ theo từng tổ. Bữa trưa của chúng tôi là hộp cơm được chuẩn bị sẵn từ Việt Nam, ăn vội ăn vàng trong cái nắng đổ lửa xứ người.

Khi thấy cả đội sắp xếp ổn thỏa nơi ăn nghỉ, đại tá Nguyễn Thúc Linh (thời điểm ấy là Phó Chính ủy, nay là Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) tạm yên tâm, bắt đầu quay trở về Takeo, kiểm tra nơi đóng quân của bộ phận còn lại. Đoàn xe chúng tôi đi xuyên cơn mưa nặng hạt nhiều giờ đồng hồ, đi từ con đường lớn đến đường mòn quanh co, từ phố thị sâu vào núi rừng, đất đỏ quện chặt bánh xe.

Dọn dẹp khu đất trống trong rừng thành nơi đóng quân

Chúng tôi đến nơi cũng là lúc chiều thả mình xuống theo đường chân trời. Các anh trong Đội K93 vẫn chưa ngơi tay. Từ sáng đến giờ, họ mới dọn dẹp được một phần cỏ cây um tùm xung quanh nơi đóng quân. Tiếng đinh búa vang lên nhiều góc.

“Bếp” đỏ lửa khi chiều dần buông

Hợp sức đóng lều trại cá nhân trước khi sập tối

Kiểm tra, sửa chữa trang thiết bị cá nhân

Bữa ăn chiều đầu tiên ở nước bạn Campuchia

Chỗ bếp được căng bạt rồi, mà chỗ ăn, chỗ nghỉ thì còn ngổn ngang. Chưa kể, chỗ tắm giặt, vệ sinh phải sắp xếp hợp lý, đảm bảo sạch sẽ, an toàn, trước khi bóng tối bao phủ. Trung tá Vũ Minh Thông (Phân đội trưởng Phân đội 3) bật cười ha hả, nhanh tay hơ xấp tiền Riel ướt nhẹp trên nắp vung nồi cơm. Lúc nãy tắm giặt gấp quá, anh quên lấy tiền ra khỏi túi quần.

19 giờ. Màn đêm xồng xộc kéo đến, giơ bàn tay nhìn không rõ các ngón. Chạy máy phát điện, nương theo ánh đèn dịu nhẹ, thượng tá Nguyễn Văn Xuyên (Phó Đội trưởng Đội K93) bước vào khu vực đặc biệt phía trước nơi đóng quân. Nơi ấy, có một bàn thờ nhỏ được che chắn cẩn thận bằng bạt ny-lon, đặt trang trọng 10 bộ hài cốt liệt sĩ, một lư hương, bình hoa và nải chuối. Thắp mấy nén nhang xong, ông giải thích: “Đây là các hài cốt liệt sĩ chúng tôi vừa tìm thấy trong nước. Mong ở nơi xa xôi này, các chú, các anh linh thiêng, phù hộ, cùng “tìm” đồng đội với chúng tôi”.

Bên ly trà nóng, mấy chiến sĩ trẻ cùng tôi quây quần, nghe thượng tá Xuyên kể chuyện. Nhiều chi tiết tôi từng nghe trước đó, nhưng giữa khung cảnh này, lại gợi lên niềm xúc cảm khó tả. “Tôi về Đội K93 đã 8 năm, chừng 4-5 năm nữa đến tuổi hưu. Mỗi năm, chúng tôi ở Việt Nam chỉ 4 tháng, còn 8 tháng là mải miết tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Campuchia. Lúc trước, địa hình rừng núi Campuchia rất phức tạp, rừng rậm nhiều, đường sá ít. Nay rừng ít, đường nhiều, lớp trẻ tiện lợi hơn lúc chúng tôi tiếp nhận nhiệm vụ. Hồi đó, chân ướt chân ráo về, đơn vị bố trí chúng tôi mỗi đợt ở 1 tỉnh, để nắm địa hình chung. Quen việc rồi thì sẽ được cử đi phụ trách nơi nào phù hợp nhất, bám trụ ở đó lâu dài. Hầu như đội đóng quân và làm nhiệm vụ giữa rừng núi, thiếu thốn tiện nghi vô cùng. Sinh hoạt đa phần là dã ngoại. Đi riết rồi cũng quen, tưởng như ở doanh trại thôi” – thượng tá Xuyên mở lời.

Đi riết rồi người dân nước bạn xem các anh như người nhà. Mỗi lần Đội qua tới, chủ đất nhiệt tình cho phép đóng quân trên đất. Thỉnh thoảng, họ tới lui thăm hỏi, coi có khó khăn gì thì giúp đỡ. Thậm chí, nếu biết được thông tin liên quan đến mộ chí, họ cung cấp cho Đội luôn. Cũng những năm tháng sống bên nước bạn, từng cán bộ, chiến sĩ dần “nhập gia tùy tục”, học hỏi nhiều điều thú vị.

Điển hình như ẩm thực, mới đầu ăn chưa quen, dần dần các anh tự nấu được. Sau này, về Việt Nam lại “nhớ nhớ” món ăn đặc trưng của Campuchia. Ngược lại, món ăn Việt Nam “du nhập” vào đời sống người dân nước bạn hồi nào không hay! Còn giao tiếp, đôi bên đều dạy nhau ngôn ngữ của đất nước mình. Sống cạnh nhau nhiều tháng, ai cũng biết “chút chút”. “Chút chút” đó đủ để hiểu nhau, hỗ trợ nhau trong công việc lẫn sinh hoạt. Phát âm chưa chuẩn, dùng từ chưa đúng thì cùng chỉnh lại, vui vẻ vô cùng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, thấm thoắt 22 năm kể từ ngày Đội K93 được thành lập (23/11/2000). Cùng với chăm lo xây dựng Đảng bộ Đội K93 trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực của tổ chức chỉ huy, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết với công việc, xứng tầm nhiệm vụ càng được chú trọng.

Trái tim người lính, người đảng viên (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) nhắc nhở nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K93 vượt mọi khó khăn, gian khổ; chủ động khai thác, kết nối, xử lý nguồn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; huy động lực lượng, phương tiện khảo sát, tìm kiếm hài cốt trên nhiều địa bàn, với nhiều loại địa hình khác nhau. Nhờ vậy, Đội đã tìm kiếm, quy tập và tiếp nhận trên 3.200 hài cốt liệt sĩ. Tất cả hài cốt được tổ chức an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, hoặc bàn giao cho gia đình, đảm bảo chu đáo, chặt chẽ, trang nghiêm.

Đêm càng sâu, tâm tư của thượng tá Xuyên càng nặng. Cũng phải thôi, mỗi năm trôi qua, vết tích chiến tranh càng bị xóa mờ. Lượng thông tin mộ chí Đội nhận được ngày càng ít dần, mơ hồ dần. Cựu chiến binh, người dân trực tiếp chôn cất, chứng kiến liệt sĩ hy sinh… lần lượt rời nhân thế theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đi tìm hài cốt liệt sĩ trẻ hóa dần, làm sao am hiểu chiến trường ngày trước bằng thế hệ cũ. Tất cả yếu tố đó chồng chất, khiến công tác tìm kiếm, quy tập năm sau vất vả hơn năm trước.

“Điều lạc quan lớn nhất là sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19, chúng tôi trở lại Campuchia với lượng thông tin được cung cấp nhiều hơn trước. Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người cũ truyền lửa cho người mới, động viên nhau hoàn thành nghĩa cử cao đẹp, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh, các chú liệt sĩ. Khó khăn, vất vả đến mấy vẫn phải giữ vững ý chí quyết tâm, quy tập nhiều hài cốt nhất có thể, trả lại thông tin cho gia đình. Đó là cách tri ân công lao to lớn của các chú đối với đất nước, với dân tộc” – thượng tá Nguyễn Văn Xuyên bày tỏ.

21 giờ. Mưa rừng rả rích vỗ về trên mái tole, trên vách bạt ny-lon. Ễnh ương, tắc kè cũng trốn mưa, chui vào lều bạt của chúng tôi, lớn tiếng cả đêm. Mặc kệ chúng, co mình trong chiếc võng, chiếc phản gỗ nhỏ xíu, chúng tôi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc ở xứ người, chuẩn bị sức lực cho hành trình “đi tìm nghĩa” dài lâu.

GIA KHÁNH

Còn Tiếp (Kỳ 2: Núi Som ngày nắng cháy)