Đến với nghệ thuật viết chữ đẹp cách đây gần 20 năm, Hồng Phú là đại diện tiêu biểu cho loại hình viết tranh thư pháp tại An Giang. Anh xuất hiện ở rất nhiều sự kiện, với mong muốn đem những sản phẩm thư pháp đẹp đến với mọi người.
Hồng Phú cho biết, anh kế thừa niềm đam mê thư pháp từ người mẹ Lý Ngọc Thoại. Những ngày còn là cậu nhóc lên mười, anh được theo cha đến chợ Mỹ Long vào dịp Tết của những năm của những năm 80, để ngắm những cụ ông ngồi viết thư pháp bằng mực tàu, mực nhũ vàng trên nền giấy đỏ, nên niềm đam mê chữ đẹp nhen nhóm trong anh từ đó.
Từ kỹ pháp được trao truyền từ mẹ, Hồng Phú tiếp cận thêm phong cách thư pháp hiện đại. Anh chia sẻ: “Các cụ ngày xưa kiến thức uyên thâm, nhưng kỹ pháp rất đơn giản. Theo thời gian, thư pháp được hiện đại hóa với nhiều kỹ pháp mới, nên tôi vừa kế thừa truyền thống, vừa phải nỗ lực học tập thêm kỹ thuật viết chữ hiện đại”.
Rất nhiều người đến xem Hồng Phú viết thư pháp. Họ tấm tắc khen những nét chữ như “phượng múa, rồng bay”. Có cả những cô, cậu nhóc mới mười tuổi đầu cũng chăm chú nhìn nét bút. Có lẽ, chúng cũng giống như Hồng Phú ngày trước, cũng thích việt chữ đẹp và nuôi dưỡng ước mơ cho sau này.
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Hồng Phú sẽ xử lý nhiệt độ để mực nhanh khô, đảm bảo tính thẩm mỹ cho bức tranh thư pháp. Với anh, dù những bức tranh này được định giá để bán cho người mua, nhưng nó là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, với sự chăm chút từng nét thanh, nét đậm sao cho “có hồn”, có chất nghệ thuật.
Sản phẩm thư pháp hiện nay được sáng tác trên nhiều nền vật liệu, từ giấy, vải đến đá và cả lá bồ đề. Hồng Phú cho hay, một người đam mê thư pháp, sẽ phải trải qua nhiều lần thay đổi nét chữ, với thời gian 4 – 5 năm một chu kỳ. Càng về sau, người ta viết chữ càng nhẹ nhàng, càng nhập tâm và càng có hồn. Nét chữ khi ấy nhìn rất cuốn hút, dù là người hiểu thư pháp hay không đều rất thích.
Với nghệ thuật thư pháp đích thực, người ta xem đó là cách tự rèn bản thân. Một chữ “tâm”, chữ “nhẫn”… trong thư phổ đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn, giáo dục con người phải sống đúng như tác phẩm mình tạo ra. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ viết ra chữ “nhẫn”, nhưng tâm thì chưa thể “nhẫn”!
Bằng tình yêu thư pháp cháy bỏng, Hồng Phú và mẹ của mình đang nỗ lực đưa các sản phẩm tranh thư pháp Thoại Lý đến với mọi người. Để mỗi khi năm hết Tết đến, anh sẽ có thêm niềm vui khi những tác phẩm của mình được mọi người trang trọng treo trong gian nhà ấm cúng.
THANH TIẾN