Nhà máy biogas tại làng Sonchamp, phía Nam Paris (Pháp). Ảnh: AP
Họ sẽ sớm sử dụng cơ sở mới, nơi cây trồng và chất thải nông nghiệp được nghiền nhỏ và lên men để tạo biogas. Đây là một trong những giải pháp năng lượng đang được thúc đẩy tại châu Âu, nơi không còn muốn chi trả hàng tỷ USD cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết các nhà máy khí đốt nhỏ ở nông thôn cung cấp năng lượng cho hàng trăm hoặc hàng nghìn ngôi nhà sẽ không thể thay thế dòng chảy khổng lồ của khí đốt Nga đến châu Âu. Nhiều người chỉ trích việc sử dụng cây trồng để làm khí đốt cho rằng người nông dân nên tập trung vào việc trồng lương thực - đặc biệt là khi giá cả đang tăng vọt trong bối cảnh hậu quả của xung đột Nga-Ukraine. Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng đến giá thực phẩm toàn cầu bởi hai quốc gia này vốn chiếm tới 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì thế giới. Ngoài ra, Nga là nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm tới 15% nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, biogas vẫn được coi là một phần trong hướng tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu. Hiệp hội Biogas châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất bio-methane. AP cho biết bio-methane có thể được bơm vào các mạng lưới khí đốt tự nhiên. Theo Hiệp hội Biogas châu Âu, khoản đầu tư 83 tỷ euro (87,5 tỷ USD) - theo giá thị trường hiện tại và thấp hơn số tiền 27 quốc gia EU phải trả mỗi năm cho Nga vì khí đốt tự nhiên- đến năm 2030 sẽ tăng gấp 10 lượng bio-methane được sản xuất tại châu Âu và thay thế khoảng 1/5 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm 2021.
Người nông dân tại làng Sonchamp cho rằng nhà máy biogas của họ sẽ góp phần giúp châu Âu tách khỏi khí đốt của Nga. Ông Christophe Robin, một trong 6 nhà đầu tư cho nhà máy này, chia sẻ: “Nếu muốn tiêu thụ năng lượng xanh và tránh các dòng chảy cũng như đóng góp của khí đốt Nga, chúng ta không thực sự có lựa chọn. Chúng ta phải tìm các giải pháp thay thế”.
Biogas được tạo ra bằng cách lên men các vật liệu hữu cơ - nói chung là cây trồng và chất thải. Ông Christophe Robin ví quá trình này giống như thực phẩm để quá lâu trong hộp đựng. Ông bổ sung: “Khi bạn mở hộp đựng, nó sẽ kêu ‘bụp’. Nhưng ở đây, chúng tôi không mở nó. Chúng tôi thu khí từ quá trình lên men”. Khí đốt từ nhà máy ông Robin đầu tư có thể đáp ứng nhu cầu của 2.000 hộ gia đình. Nó sẽ được tinh chế thành bio-methane và bơm vào một đường ống dẫn đến thị trấn Rambouillet gần đó, sưởi ấm bệnh viện, các ngôi nhà lân cận.
Người nông dân làng Sonchamp đã vay 5 triệu euro (5,3 triệu USD) và nhận 1 triệu euro hỗ trợ của chính phủ Pháp để xây dựng nhà máy biogas. Họ còn ký hợp đồng 15 năm với công ty dịch vụ công vụ Engie về một mức giá cố định cho khí đốt của họ. Điều này sẽ đảm bảo thu nhập ổn định cho họ.
Các công nhân đang hoàn thiện việc xây dựng và nhà máy biogas tại Sonchamp. Chất thải nông nghiệp với vỏ lúa mì, bột củ cải đường, vỏ hành tây, thậm chí cả phân gà - đã được chuẩn bị để đưa vào các thùng lên men. Đại mạch mùa Đông được trồng đặc biệt để làm khí đốt sẽ chiếm khoảng 80% trong số 30 tấn vật liệu hữu cơ cung cấp mỗi ngày nhà máy.
Vào cuối quá trình sản xuất bio-methane, người nông dân làng Sonchamp còn thu được chất thải giàu nitơ và kali từ việc lên men. Họ sẽ dùng những chất thải này làm phân bón cho các cánh đồng, giảm việc tiêu thụ phân bón nông nghiệp. Ông Robin chia sẻ: “Đó là một nền kinh tế xanh và tuần hoàn, điều đó khiến tôi hài lòng”.
Đường ống dẫn khí tại nhà máy biogas ở làng Sonchamp. Ảnh: AP
Người nông dân Sonchamp đã đầu tư để xây dựng nhà máy biogas này. Ảnh: AP
Đường ống dẫn khí tại nhà máy biogas ở Sonchamp. Ảnh: AP
Người nông dân trao đổi bên ngoài nhà máy biogas ở Sonchamp. Ảnh: AP
Giống như phần còn lại của châu Âu, việc sản xuất bio-methane ở Pháp vẫn còn khiêm tốn nhưng đang trong quá trình bùng nổ. Trung bình mỗi tuần, có ba địa điểm sản xuất bio-methane đi vào hoạt động ở Pháp và số lượng của chúng đã tăng từ chỉ 44 vào cuối năm 2017 lên 365 vào năm ngoái. Khối lượng khí đốt các công trình này sản xuất cho mạng lưới quốc gia năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với năm trước đó và đáp ứng đủ nhu cầu cho 362.000 ngôi nhà.
Chính phủ Pháp đã thực hiện một số bước để đẩy nhanh sự phát triển bio-methane kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Bio-methane đáp ứng gần 1% nhu cầu khí đốt của Pháp vào năm 2021 nhưng sẽ tăng lên ít nhất 2% trong năm nay và nó có thể chiếm 20% lượng khí đốt Pháp tiêu thụ năm 2030 và nhiều hơn lượng khí đốt mà Pháp nhập khẩu năm ngoái từ Nga.
Tại Đức, nước sản xuất biogas lớn nhất ở châu Âu, chính phủ đang cắt giảm việc canh tác cây trồng để lấy nhiên liệu. Tỷ lệ ngô được phép sử dụng trong các cơ sở biogas đến năm 2026 sẽ giảm từ 40% xuống 30%. Nhiều biện pháp khuyến khích tài chính sẽ được đưa ra để các nhà khai thác sử dụng chất thải như phân và rơm rạ thay thế. Đức ước tính có hơn 9.500 nhà máy biogas, trong đó có nhiều nhà máy quy mô nhỏ cung cấp nhiệt và điện cho các ngôi làng nông thôn.
Người phát ngôn của Hiệp hội Biogas Đức-bà Andrea Horbelt nhận định việc sản xuất bio-methane có thể tăng gấp đôi trong vài năm nhưng cũng không hề rẻ. Bà lập luận: “Dùng biogas cho điện sẽ đắt đỏ hơn năng lượng Mặt Trời và gió”.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)