Phát triển kinh tế
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu, nhân tố để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Từ đó, xã Mỹ Khánh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện, cả về diện tích, năng suất, chất lượng. Nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh (SXKD), có nhiều nông hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu, các mô hình sản xuất đa canh như: trồng mè đen, đậu xanh, trồng nấm bào ngư, rau sạch...
Thông qua các phong trào có nhiều nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi như: hộ ông Đoàn Văn Nhà (ấp Bình Khánh), ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Bình Hòa 2)... mỗi năm thu nhập từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình mà còn đóng góp cho các nguồn quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương...
Xã Mỹ Khánh biểu dương gương người tốt - việc tốt
Nhờ tham gia tập huấn khuyến nông, giao lưu với bạn nhà nông mà ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Bình Hòa 2) biết đến cây dâu tằm, rồi quyết định chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đạt kinh tế tốt, góp phần tạo ra nguồn lợi đặc sản cho khu vực ngoại thành TP. Long Xuyên, tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Chỉ sau 2 -3 năm bén rễ với vùng đất Mỹ Khánh, cây dâu tằm nhanh chóng cho trái, hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi, cao hơn gấp 2, 3 lần so với trồng nhãn trước đó.
Thấy được hướng đi tốt, ông Thuận nhanh chóng mở rộng diện tích lên thêm 3.000m2, cho trái 3 vụ/năm, chế biến các sản phẩm từ trái dâu tằm, kết hợp du lịch sinh thái... Bên cạnh đó, vào mùa thu hoạch trái, vườn dâu tằm của ông Thuận còn giải quyết việc làm từ 10-15 lao động ở địa phương, với thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.
“Mô hình nhận được sự quan tâm của nông dân trong và ngoài xã, họ đến tham quan, học hỏi, mua cây giống, tôi đều vui vẻ chia sẻ để cùng mở rộng diện tích, phát triển kinh tế ở địa phương” - ông Thuận chia sẻ.
Hướng đến cộng đồng
Xã Mỹ Khánh là chiếc nôi cách mạng của TP. Long Xuyên và được công nhận nông thôn mới năm 2016. 5 năm qua, từ nguồn đầu tư ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ đóng góp của nhân dân, đã thực hiện được 32 công trình, với kinh phí trên 15 tỷ đồng.
Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 6 tỷ đồng để thực hiện hệ thống đèn chiếu sáng; lắp đặt camera an ninh; mua xe chuyển bệnh miễn phí, cất mới cầu Sáu Lã, cầu La Tảo- Huỳnh Thủy 2; thực hiện 11 tuyến đường theo đề án 07 của thành phố...
Nhận thấy còn nhiều bà con chưa có được căn nhà vững chải để “An cư lạc nghiệp”, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Mỹ Khánh Trương Văn Tép nghĩ đến việc xây dựng những bộ cột bê-tông làm nhà cho người dân.
Nghĩ là thực hiện, ông Tép cùng các thành viên trong ban trị sự tích cực vận động người thân, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hiện vật và ngày công lao động để tiến hành đổ những bộ cột bê-tông làm nhà cho người dân khó khăn về nhà ở.
Chỉ tính riêng 5 năm qua, đã vận động được gần 1 tỷ đồng, xây dựng 165 bộ cột nhà bằng bê-tông. Qua đó, góp phần vào việc nâng chất chỉ tiêu, tiêu chí về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới của xã.
Bên cạnh đó, với sự vận động của ban trị sự, đã mua được 1 chiếc xe chuyển bệnh miễn phí; vận động người dân gây quỹ để mua nhiên liệu duy trì hoạt động, hiện nay đã có được nguồn quỹ ổn định.
“Làm những việc ích nước, lợi dân đã trở thành tâm nguyện của bản thân. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe, không làm được việc nặng thì cũng tiếp việc nhẹ, giúp đỡ thêm được nhiều người. Đó là niềm vui, vinh dự cho bản thân” - ông Tép chia sẻ về những công việc đã làm.
Qua 5 năm phát động phong trào thi đua yêu nước biểu dương gương người tốt, việc tốt gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu cần được nhân rộng để mọi người noi theo.
ÁNH NGUYÊN