Người ươm mầm cho đờn ca tài tử

14/07/2020 - 05:39

 - Cống hiến cả đời cho nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ nhân ưu tú Trần Văn Suôl (được gọi là ông Năm Suôl) chọn việc dạy đờn, hát miễn phí cho tất cả những ai có cùng đam mê để trả ơn cho đời. Không kể thành phần, tuổi tác, năng khiếu, ở xa hay gần, ông đối đãi như nhau, tận tâm chỉ dạy hoàn toàn miễn phí.

Buổi dạy của Nghệ nhân Trần Văn Suôl với các học trò nhí

50 năm nay, căn nhà ở khóm Long Phú A, phường Long Phú (TX. Tân Châu) của ông Năm Suôl luôn vang vọng lời ca của những gương mặt măng non. Ngoài địa điểm này, học viên còn đến tập hợp dịp cuối tuần tại Trung tâm Văn hóa Thể thao. Mọi người gọi đây này là “lò” huấn luyện tài tử hoặc “lớp” học đặc biệt, bởi không có một quy định nào về giờ giấc, khi nào rảnh học trò cứ đến, muốn học bao lâu cũng được, trò nhỏ nhất mới 10 tuổi, cao nhất đã ngoài 80 tuổi. Ông Năm Suôl truyền dạy không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà cả tình yêu say đắm đặc biệt trong những lời ca dạt dào đến người học.

Mới đầu, nghe danh của ông, nhiều phụ huynh còn ngần ngại, sợ con mình không đủ tầm theo học, nhưng ông nói chắc nịch: “Chỉ cần đam mê là được, nghệ thuật này năng khiếu thiên bẩm chiếm 10% thôi, còn dày công khổ luyện và đam mê thật sự chiếm tới 90%, con cháu đứa nào mê đờn ca tài tử là ông nhận vào học hết”. Vì vậy, dựa vào sự đánh giá về từng người mà ông dìu dắt, hướng dẫn theo “bài” riêng, mang tiếng là lò luyện nhưng không có một giáo án nào. Thuở cơ hàn, có những học trò nghèo không có nổi chiếc xe đạp, ông động viên cứ đến học với ông, thầy trò san sẻ nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Không kể hết những người đã thành công trên con đường này, và sự “thành công” khẳng định bằng các danh hiệu đôi khi cũng chỉ mang tính tương đối ở mặt nào đó, bởi nhiều anh chị đạt vừa đạt giải cao nhất ở một cuộc thi vẫn chăm chỉ đến lớp nghe ông hướng dẫn.

Nghệ nhân năm Suôl đặc biệt yêu mến những học trò nhỏ, vì giữa dòng chảy hiện đại với đủ loại nhạc thịnh hành mà các cháu lại mê ca tài tử thì còn gì bằng! Với những em mới học hay đã theo đến vài năm, ông luôn căn dặn: “Lời ca không phải để làm giàu, mà trước tiên để thỏa mãn đam mê, sở thích của mình, kế đến là cống hiến cho xã hội, quê hương của mình. Các con sau này nếu có chút tên tuổi thì tốt, nhưng giữ được cái tâm trong sáng như thuở ban đầu lại càng tốt hơn. Đam mê nghệ thuật chính là dù ở vị trí nào cũng phải giữ đạo đức, đem cái tài của mình làm đẹp thêm cho đời”. Lò luyện tài tử ở nhà ông có nhiều gương mặt nhí nay đã là “cây văn nghệ” của trường, tham gia thử sức ở các cuộc thi tài trên đài truyền hình, các cuộc thi văn nghệ trong ngành giáo dục cấp huyện, tỉnh.

Tiêu biểu như em Phan Thục Đoan (xã Hòa Lạc, Phú Tân), tâm sự tuy ở trường không bạn nào có cùng sở thích, thấy lạc lõng nhưng em quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Chị Trần Thị Thu (mẹ Thục Đoan) kể, 3 năm trước em bộc lộ khiếu ca hát với dòng nhạc bolero, tuy nhiên, đến lúc tham gia cùng đoàn của huyện dự thi cấp tỉnh, giáo viên thuyết phục chị cho Thục Đoan ca tài tử bởi có tố chất và để đủ tiết mục theo quy định. Nhờ có người bác am hiểu rèn luyện trong 1 tháng, Thục Đoan đã ghi dấu bước chuyển này bằng giải B. Nhận thấy giọng hát của con chưa điêu luyện, có phần yếu sức nên chị Thu không ngại hàng tuần chở 2 chị em Thục Đoan lên nhà ông năm Suôl học thêm. Thục Đoan cho biết, từ ngày học với “ông năm” thấy rất dễ hiểu, biết các luyến láy, nhấn nhá chữ, bài bản… và bây giờ chỉ mê duy nhất ca tài tử. Em đã hát được rất nhiều bài, thử sức ở cuộc thi “Tài tử miệt vườn”, “Super 10 - Siêu tài năng nhí”. Cùng lứa với Thục Đoan, em Mỹ Huyền (TX. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) từ 6 tuổi đã bập bẹ hát theo cha trong những buổi giao lưu sinh hoạt, 2 năm nay em theo ông năm Suôl học đều đặn.

Tâm huyết với những người yêu đờn ca tài tử, đặc biệt là lớp trẻ kế thừa, Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Suôl khẳng định đến khi nào không còn khả năng hoặc không còn học trò thì thôi, dẫu còn duy nhất 1 người học ông vẫn sẵn lòng đào tạo, góp vào dòng chảy hiện đại những dòng mật ngọt, duy trì những bản tài tử thăng trầm. Trăn trở hiện nay của nghệ nhân là làm sao đưa được đờn ca tài tử vào trường học, nhen nhóm tình yêu cho lớp trẻ. Ông tâm sự: “Hồi lọt lòng, đưa trẻ nào cũng đón nhận lời ru của mẹ, những điệu ầu ơ…ví dầu… rồi đi vào giấc ngủ. Mà lớn lên lại quên, tại sao có đồ rê mi pha son la… mà lại không có những giai điệu ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cống… vào trường lớp để duy trì, phát triển bộ môn âm nhạc của dân tộc?”.

Trong khả năng của mình, ông trao gửi nơi học trò để ngày càng có nhiều người hiểu, trân trọng di sản, cũng là nền văn hóa của quê hương.

MỸ HẠNH