Cả quãng đời làm nông dân, ông Long dựa vào đất đai để nuôi 3 con trưởng thành, có cuộc sống ổn định. “Thất thập”, ông cùng gia đình thay đổi nơi ở, không còn canh tác nữa. Nhưng ông vẫn chưa chịu nhàn rỗi, vẫn hay lam hay làm đủ việc, để “thấy mình còn khỏe mạnh” – như lời ông bày tỏ. Ông bắt đầu sửa chữa con đường gia đình mình hay đi lại, khi chúng bị xuống cấp. Dần dần, ông mở rộng “phạm vi hoạt động” ra nội ô TP. Long Xuyên. Có lẽ, cách làm của ông Long đến nay là “độc nhất vô nhị” trong cả nước. Ít ai nghĩ đến việc “vá” những con đường không gần khu nhà mình ở. Có chăng, mọi người chỉ đóng góp tiền của, cùng địa phương góp sức xây dựng cầu, đường, nâng cấp lộ nông thôn, hẻm phố… Còn ông Long, hễ thấy “ổ gà” nằm trong khả năng sức khỏe mình cho phép, ông đều “ra tay”. Bằng một quy trình ngược lại với thảm nhựa của ngành chuyên môn, ông nhẫn nại lấp đầy mặt đường bằng sự nhiệt huyết và tinh thần “mình vì mọi người”.
Hình ảnh “vá đường” quen thuộc của ông Long trong nội ô TP. Long Xuyên
Trong lá thư cám ơn nghĩa cử “vá từng ổ gà” của ông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể ghi nhận: “Dù tuổi đã cao, nhưng 5-6 năm nay, ông vẫn một mình cùng chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh túi xách nhựa đường đi vá từng “ổ gà” trên các tuyến đường lớn, nhỏ ở TP. Long Xuyên, để có những con đường phẳng phiu cho người dân đi lại êm thuận, an toàn... Thay mặt ngành giao thông - vận tải, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn ông về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho duy tu, sửa chữa, nâng cấp và xây mới các con đường từ Trung ương và địa phương của nước ta còn nhiều hạn chế, việc làm của ông đã được cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông - vận tải trân trọng ghi nhận, biểu dương. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp nêu trên của ông là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”. Trước và sau khi được Bộ trưởng gửi thư khen ngợi, khi nhiều phóng viên đến phỏng vấn, ông Long vẫn cặm cụi “vá đường” như cũ, nhưng trong lòng cảm thấy ấm áp, hạnh phúc và vững tin hơn vào việc làm của mình.
“Hành trang” gọn nhẹ của ông Long
Sau Tết Nguyên đán 2019 ít hôm, ông Long tiếp tục hành trình “vá đường”. Nhóm phóng viên chúng tôi theo chân ông để ghi nhận hành trình ấy. Đối lập với tốc độ của mấy chiếc xe môtô và bộ quần áo chỉn chu của chúng tôi, ông Long chậm rãi chạy chiếc xe đạp cũ sét, vòng quay bánh xe lăn từ tốn trên con đường đông đúc. Chỉ với chiếc nón kết ngả màu, bộ quần áo cũ sờn, ông chống chọi lại cái nắng hừng hực ban trưa. Cả buổi sáng, ông đi tìm phế phẩm nhựa đường ở các công trình vừa hoàn thành. Nhựa đường đã khô cứng lại, ông dùng dao nạy lên, phủi sạch cỏ rác, cho vào túi xách. Ông chỉ có thể chở được 3 túi xách nhỏ, nên khi thấy vừa đủ số lượng, ông máng chúng lên xe, chở về nhà. Tại nhà, ông đem chúng ra đập nhỏ, loại bỏ sạch “tạp chất”, tiếp tục cho vào túi mang đi. Bằng những lớp nhựa đường phế thải, dầu lửa, đôi bàn tay chai sần và sức nặng của viên đá to bằng bàn tay, ông làm biến mất những ổ gà to nhỏ trên đường trong vài chục phút. “Dầu lửa và độ nóng của ánh mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, sau đó giúp chúng kết dính với nhau. Xe hơi chạy ngang qua sẽ làm chúng bị nén lại, chắc chắn hơn. Vài giờ sau, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn trước, không còn sợ xe vấp ổ gà nữa” – ông Long chia sẻ “bí quyết” của mình. Trừ ngày mưa, trừ những lúc không “mót” được vật tư, mấy năm nay, ông dùng quãng thời gian rảnh rỗi của mình vào công việc ấy.
Nhờ mạng xã hội, báo chí và hành trình không đổi của ông, người dân địa phương đã quá quen với hình ảnh ông lão khắc khổ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa đường. Họ yêu quý ông đến mức, ông mới dừng lại trên đường, ít phút sau đã có người dân đem nước đến mời ông uống, hoặc có người dừng xe lại hỏi chuyện. Chiếc nón kết che khuất gương mặt, ông vừa đều đặn “vá đường”, vừa nhiệt tình trả lời. Ít ai biết, chiếc nón vừa che nắng cho ông, vừa che đôi mắt ông. Đôi mắt của người già, đã qua một lần phẫu thuật đục thủy tinh thể, rất nhạy cảm với ánh nắng gắt, cứ đổ ghèn liên tục. Đôi lúc, ông không thể dừng tay để lau sạch mắt, đành mặc kệ chúng. Và chúng cũng không thể ngăn cản ông tiếp tục hành trình làm việc tốt!
“Tôi nghĩ mình còn sức lao động, thấy việc gì có ích cho người khác thì làm, sẵn coi như tập thể dục, vận động. Gia đình tôi luôn ủng hộ việc này, không hề ngăn cản. Bà con xúm lại cho tôi dầu lửa, hoặc hỏi thăm cách làm để họ về tự làm, hoặc chỉ đơn giản là gửi lời cám ơn tôi. Cũng có người buông lời trách “Ăn cơm nhà…”, tôi nghe mà cảm thấy đau lòng, tổn thương lắm. Nhưng nhờ lá thư của Bộ trưởng, lời động viên của hầu hết mọi người, tôi đã giữ vững tinh thần, tự nhủ không nên bỏ cuộc. Bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Tôi tin rằng, việc làm của mình tuy nhỏ, nhưng sẽ khích lệ nhiều người cùng chung tay làm việc tốt, lan tỏa ngày càng xa hơn. Tương lai, đường sá của quê mình được đầu tư xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn, có khi không còn chỗ hư để tôi vá. Nhưng tôi vẫn sẽ tìm việc tốt để làm, đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”.
Việc làm của ông Long đã lan tỏa thật sự trong cộng đồng. Hàng ngày, ông Trần Mười (sinh năm 1948, ngụ khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chạy xe đạp vòng vòng thành phố tập thể dục, tranh thủ để ý nơi nào có nhựa đường bỏ đi, đoạn đường nào cần sửa chữa, rồi cho ông Long hay. “Tôi thấy ông Long làm việc rất ý nghĩa, giúp ích cho xã hội, nên hết sức ủng hộ ông. Không đủ sức khỏe “vá đường” như ông, tôi chỉ có thể giúp bằng cách “chỉ điểm”. Rất mong, sẽ có ngày càng nhiều người tâm huyết, nhiệt tình như ông Long”.
Ông Mười (bìa phải) giúp đỡ ông Long theo khả năng của bản thân
Ở độ tuổi 76, không thể chạy xe Honda được nữa, không thể chạy xe đạp quá xa nhà, nên việc nghĩa của ông Long chỉ được thực hiện trong giới hạn địa bàn dân cư nhỏ. Nhưng những gì ông đã và đang làm lại mang đến ý nghĩa lớn lao. Ông đã san sẻ trách nhiệm với ngành chức năng, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng, ở độ tuổi đáng lẽ có thể dưỡng già. Tất cả xuất phát từ trái tim ông mách bảo, chứ chẳng ai bắt ép gì. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Xuyên Trương Văn Chiêm chia sẻ: “Vừa qua, UBND phường đã khen thưởng cho ông Long, một tấm gương “Người tốt, việc tốt”. Ông đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, giúp người dân đi lại thuận tiện. Hành động của ông rất cần được nhân rộng, nhất là đối với người ít tuổi hơn ông”.
Khi đoạn đường ổ gà trên Tỉnh lộ 943 (thuộc phường Mỹ Hòa) được vá xong, ông Long nhẹ nhàng xếp lại chiếc túi xách trống, hộp dầu lửa và viên đá nén đường. Đôi tay ông run run bưng ca nước lạnh lên, xoa dịu cơn khát giữa trưa, nhưng đôi mắt ông toát lên niềm hạnh phúc khó tả. Lại thêm một đoạn đường lành lặn, bớt đi mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ông lại mang về cho mình nhiều hơn một sự thanh thản, yên lòng…
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG