Tranh của Lê Thiết Cương, một trong các họa sỹ quen thuộc trên thị trường đương đại. (Ảnh: Lê Thiết Cương)
Phải ở nhà triền miên trong mùa dịch, vợ chồng anh Tú (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) quyết định sẽ trang trí cho những bức tường trắng đối diện tivi bằng một bức tranh khổ lớn.
Song thay vì chọn một bức tranh in hoặc tranh chép giá rẻ chỉ để lấp khoảng trống đó, anh Tú chấp nhận đầu tư một khoản tiền lớn hơn để có một bức vẽ có một giá trị nghệ thuật riêng, được đầu tư đậm đặc về mặt cảm xúc cũng như công sức.
Tôn trọng bản quyền, nghệ thuật
Người mua tranh tác giả (tranh có tác giả cụ thể) như anh Tú là nhóm khách hàng có mức thu nhập khá hoặc cao, phân chia thành hai dạng chính: Người chơi tranh trang trí (thường được gọi là art decor) và người chơi tranh sưu tập (art collection).
Nhóm khách hàng này đang dần rời xa dòng tranh in/tranh chép hay tranh lưu niệm (còn gọi là “tranh Bờ Hồ”) - những dòng tranh có giá thành thấp, không có giá trị nghệ thuật, sáng tạo, chiếm đa số thị trường về số lượng.
Từ quan sát của các chủ phòng tranh và nhà nghiên cứu mỹ thuật, số lượng người bắt đầu chơi tranh trong dịp COVID-19 đã tăng lên. Nguyên nhân nằm ở việc họ phải nghỉ ở nhà, có nhiều thời gian để chọn lựa tranh. Bên cạnh đó, việc bỏ tiền ra sưu tầm tranh cũng là một cách đầu tư mới.
Bà Nguyễn Thanh Mai, chủ một phòng tranh tại Hà Nội nhận xét: “Người có tiền đã đầu tư vào tranh, song song với bất động sản, cổ phiếu… Trong khi dịch COVID-19 làm đình trệ nhiều thị trường nên thị trường tranh lại khởi sắc.”
Người Việt có thu nhập khá và cao đang chuyển hướng sang mua tranh tác giả, tôn trọng bản quyền để trang trí cho ngôi nhà. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Theo quan sát của ông Trần Cường - chủ phòng tranh DC Gallery, trong ba năm trở lại đây, dòng tranh sưu tập phát triển là nhờ mức sống của người dân tăng, nhu cầu đầu tư cho đời sống tinh thần cũng được củng cố. Một số danh họa nổi tiếng hiện nay có thể kể đến Thành Chương, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Hải An, Đinh Quân, Lê Thiết Cương…
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định người chơi tranh sưu tập (art collection) thường mang một chủ đề, tiêu chí, trường phái hoặc tranh của riêng một tác giả nào đó. Cách thể hiện này được cho là kén người mua hơn, một phần vì mức giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trái ngược với dòng sưu tập, dòng tranh trang trí (art decor) lại có cách thể hiện bắt mắt và dễ treo hơn. Bên cạnh đó, đây là thể loại được ưa chuộng, bán đại trà bởi chúng thường có mức giá thấp hơn.
Gọi là thấp nhưng chi phí phổ biến là hàng chục triệu đồng. Ở góc độ khách hàng, anh Tú tự nhận mình không có chuyên môn mỹ thuật nhưng vẫn thích ngắm tranh, cảm thấy ngôi nhà được nâng tầm hơn khi treo một bức tranh có giá, thay vì chỉ treo những bức tranh chép, tranh in không mang giá trị nghệ thuật nào như trước đây.
Cùng với xu hướng khách hàng tăng cường mua tranh bản quyền, các phòng tranh, họa sỹ cũng sử dụng Facebook để quảng bá cho tranh của mình khiến các mặt hàng dễ được tiếp cận hơn
Tiềm năng phát triển thị trường tranh Việt
Sự phát triển của mạng xã hội cũng kéo theo xu hướng trực tuyến hóa của hoạt động trưng bày, đấu giá tranh thời gian qua. “Họa sỹ khó mà né được Facebook,” nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận định trong một bài viết của mình.
Cũng theo ông, trước đây, thị trường nghệ thuật trực tuyến trên các website hay diễn đàn trực tuyến (forum) cũng đã tỏ ra vượt trội hơn so với phòng tranh, hội chợ, nhà đấu giá… truyền thống.
Ông chỉ ra rằng nhờ không gian online, người bán không cần di chuyển tác phẩm để trưng bày, không phụ thuộc ánh sáng và diện tích không gian, người bán dễ dàng truy cập, thuận lợi trong việc nhờ chuyên gia thẩm định, có được nhiều ý kiến đa chiều… Tác giả có nhiều phong cách cũng có thể lập trang Facebook riêng để quảng bá tới từng nhóm khán giả.
Bộ sưu tập ảnh tranh trên Facebook của họa sỹ Thái Thanh Sơn. (Ảnh minh họa)
“Mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng cũng đang là công cụ hữu hiệu cho thị trường mỹ thuật, từ các giao dịch, kiểm tra, thẩm định tranh cho đến việc kết nối, chia sẻ, mở rộng thị phần,” ông Lý Đợi nhận xét.
Bên cạnh sự phát triển với không gian onine, ông Trần Cường cho rằng thị trường tranh tác giả sẽ còn tăng. Đây là sự phát triển song song với sự ra đời của các dự án bất động sản (như chung cư cao cấp, biệt thự mới), bởi tranh treo tường cũng là một hạng mục trang trí trong các không gian này.
Một số nhà chuyên môn cũng đồng tình và cho rằng trong tương lai không xa, việc cầm cố, thế chấp một bức tranh sẽ xảy ra. Trong số các dòng tranh nói trên, dòng tranh trang trí (art decor) và tranh sưu tập phải phát triển thì thị trường mỹ thuật mới lành mạnh và có tính định hướng cao.
Theo quan sát của ông Lý Đợi, giá tranh trang trí mấy năm gần đây cũng tăng trưởng đều, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một bức là phổ biến. Hiện nay, số người bán tranh trang trí đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm 10 năm trước, các họa sỹ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm đã đạt mốc hàng trăm. Còn với tranh sưu tập thì tăng “chóng mặt” hơn khi tranh Việt đã vượt qua cột mốc một triệu USD; trong nước đã có vài chục người sở hữu tranh tiền tỷ (đồng).
“Nếu không có gì ngăn trở, chừng 10-15 năm nữa, Việt Nam sẽ định hình được thị trường mỹ thuật thứ cấp theo hướng chuyên nghiệp, bởi hiện nay đã xuất hiện các sản giao dịch, nhà đấu giá, nhà môi giới, thẩm định, KOLs… và chỉ còn chờ hệ thống pháp lý, ngân hàng và bảo hiểm nữa là hoàn chỉnh,” ông Lý Đợi nhận xét./.
Theo MINH ANH (Vietnam+)