Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư. Truyền thuyết phổ biến nhất là câu chuyện liên quan đến sự kiện thay đổi lịch mừng năm mới của nước Pháp.
Chuyện bắt nguồn từ năm 1564 khi nước Pháp quyết định đổi từ lịch Julius sang dùng lịch Gregory do Giáo hoàng Gregory XIII ban hành. Theo đó, lịch mừng năm mới chuyển từ tuần cuối cùng của tháng 3 sang ngày mùng 1/1.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận hệ thống lịch mới của vua Charles. Thời điểm đó, cũng chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận những người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ.
Những người tiếp tục kỷ niệm năm mới vào ngày 1/4 bị gọi là “kẻ ngốc” và trở thành trò cười cho thiên hạ. Từ đó, người ta gọi ngày 1/4 là ngày nói dối và cái tên “Cá tháng Tư” chính thức xuất hiện.
Một truyền thuyết khác thì cho rằng việc “chơi khăm” trong ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ cuốn truyện “The Canterbury Tales” (Những câu chuyện cổ tích) của nhà văn người Anh Geoffrey Chaucer từ năm 1392.
Trong câu chuyện có một tình tiết là chơi chữ khiến độc giả nhầm lẫn. Chaucer ý muốn nói 32 ngày sau tháng Ba (tức ngày 2/5) nhưng độc giả lại hiểu nhầm thành ngày 32 tháng Ba hoặc ngày 1/4. Vì vậy, ngày này trở thành ngày để người dân nói đùa hoặc nói những câu nói dối vô hại.
Ngoài ra, ngày này cũng có một nguồn gốc khác, lần đầu tiên được đề cập đến bởi nhà thơ d’Amerval. Đây được xem là nguyên bản dành cho khái niệm "Cá tháng Tư".
Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi tháng Tư cũng được xem là tháng của cung song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.
Thêm nữa, tháng Tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.
Dù với nguyên nhân nào, Cá tháng Tư cũng là ngày được nhiều nước trên thế giới hướng ứng để tăng sự thú vị, mang lại tiếng cười trong cuộc sống.
Theo LÊ LAN (Vietnamnet)