Nguồn lây của bệnh nhân 243 có phải từ Bệnh viện Bạch Mai?

08/04/2020 - 15:10

PGS, TS Trần Đắc Phu khẳng định có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng.

Bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng nay, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua một số ca bệnh số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.

Ông chia sẻ, vừa qua, một số ý kiến “quy ngay” nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như bệnh nhân số 243 (Mê Linh, Hà Nội) được cho là lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đó là trường hợp dễ nhất, nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng.

Và qua thực tế, PGS, TS Trần Đắc Phu khẳng định có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ BV Bạch Mai..

Phân tích ca bệnh này, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, BN 243 vào Bệnh viện Bạch Mai từ 12-3, đến ngày 4-4 lấy mẫu và ngày 5-4 có kết quả xác định dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, phải xét nghiệm kháng thể xem người này nhiễm lâu chưa hay là mới nhiễm.

“Thực tế, trong kết quả xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đối với bệnh nhân này không phát hiện kháng thể trong cơ thể, chúng tôi nghĩ rằng, đây là trường hợp mới nhiễm”, PGS, TS Trần Đắc Phu nói.

Cũng ông Phu, trong quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân này tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao ở những bệnh viện khác chẳng hạn.

Thực tế hiện nay Việt Nam đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên rất khó phát hiện nguồn lây, tốn nhiều công sức, chỉ những trường hợp nào cần thiết mới xét nghiệm để khẳng định nguồn lây. Điều quan trọng là phải tập trung vào việc phát hiện ca bệnh tiếp xúc gần, người liên quan để cách ly và khoanh vùng dập dịch.

Vì thế, ông Phu nhấn mạnh, việc tìm nguồn lây nhiễm quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan để ổ dịch cũ.

Trong thời gian tới, PGS, TS Trần Đắc Phu đề nghị cùng với công tác ngăn chặn, phải triệt để phát hiện các ca nhiễm, tiến hành cách ly, xét nghiệm những người tiếp xúc, có liên quan để tiến hành khoanh vùng, dập dịch ngay. Chúng ta cũng cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ, khoanh vùng, cách ly sớm nhất.

Bệnh nhân số 243 là Q.Q.T, nam giới, 47 tuổi, trú tại xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mê Linh cho thấy lịch trình di chuyển của bệnh nhân này khá phức tạp với việc tiếp xúc với nhiều người tại nơi công cộng, có đi đám cưới, thu mua và giao hoa tại chợ Quảng Bá, đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội...

Theo THU PHẠM (Nhân Dân)