Nguy cơ sụp đổ hệ thống toàn cầu do khủng hoảng sinh thái

06/02/2020 - 19:37

Các nhà khoa học cho biết trong số 30 nguy cơ đe dọa mang tính toàn cầu, có 5 nguy cơ đứng đầu trong danh sách này cả về khía cạnh xảy ra và tác động.

Một hồ nước khô cạn do nắng nóng kéo dài tại Ajmer, Ấn Độ ngày 2-6-2019. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Các cuộc khủng hoảng môi trường liên tiếp xảy ra có thể dẫn tới "sự sụp đổ mang tính hệ thống" trên toàn cầu.

Hơn 200 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đưa ra lời cảnh báo trên trong cuộc khảo sát công bố ngày 5-2 do tổ chức nghiên cứu quốc tế Future Earth (tạm dịch Trái đất Tương lai) thực hiện.

Trong cuộc khảo sát, các nhà khoa học cho biết trong số 30 nguy cơ đe dọa mang tính toàn cầu, có 5 nguy cơ đứng đầu trong danh sách này cả về khía cạnh xảy ra và tác động.

Đó là biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan từ bão lốc đến nắng nóng, sự suy giảm trong hệ sinh thái duy trì sự sống cũng như trong an ninh lương thực và dự trữ nước ngọt.

Các nhà khoa học khẳng định mỗi đe dọa này đều đặt ra thách thức to lớn cho nhân loại trong thế kỷ 21.

Nhóm các nhà khoa học đứng đầu là giáo sư Maria Ivanova thuộc Trung tâm quản trị và bền vững của Đại học Masschusetts (Mỹ), nhấn mạnh các mối đe dọa trên có nguy cơ tác động và gia tăng ảnh hưởng qua lại với nhau theo cách có thể tạo ra sự sụp đổ mang tính hệ thống toàn cầu.

Ví dụ, các đợt nóng gay gắt đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất khi thải ra môi trường khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nguồn tự nhiên, thậm chí làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước sạch và thiếu lương thực.

Trong khi đó, sự biến mất của đa dạng sinh học làm suy yếu khả năng tự nhiên của hệ thống nông nghiệp trong đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan, đồng thời đe dọa nguồn cung thực phẩm.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về việc nhiệt độ Trái Đất gia tăng có thể đẩy hệ khí hậu Trái Đất vào vòng xoáy ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, nhân loại đến nay vẫn chưa thành công trong nỗ lực giảm lượng khí CO2 và methane phần lớn thải ra từ hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Nếu việc ấm lên toàn cầu do sự phát thải của các loại khí trên diễn ra cùng lúc với sự tan băng ở các vùng cực thì những nỗ lực trên của nhân loại chỉ là "hạt muối bỏ biển."

Báo cáo nêu rõ: "Nhiều nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách thường hay suy nghĩ và giải quyết từng mối đe dọa riêng rẽ. Chúng tôi kêu gọi các học giả, các lãnh đạo doanh nghiệp và hoạch định chính sách trên toàn cầu tập trung vào 5 mối đe dọa toàn cầu này và đảm bảo giải quyết những vấn đề này theo một hệ thống có tác động qua lại lẫn nhau."

Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO)  Futurre Earth, Amy Luers cho rằng năm 2020 là thời điểm rất quan trọng để tập trung giải quyết những mối đe dọa hàng đầu này.

Bà khẳng định: "Hành động của chúng ta trong thập kỷ tới sẽ quyết định tương lai chung của chúng ta."

Theo kết quả một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ cuối tháng 1-2020, khoảng 1.000 nhà hoạch định chính sách và CEO hàng đầu cũng có chung quan điểm về các mối đe dọa hàng đầu này.

Theo VIẾT TUÂN (Vietnam+)