Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra vào cuối tháng

13/07/2018 - 19:16

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho hay, vào ngày 28-7, tại Việt Nam có thể quan sát toàn bộ hiện tượng thiên văn nguyệt thực toàn

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: apod.nasa.gov)

Dù đây là lần thứ hai hiện tượng này diễn ra trong năm 2018, nhưng điểm đáng chú ý, đây sẽ là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Theo lịch được vị chuyên gia này cập nhật, thì vào 00 giờ 14 phút rạng sáng 28-7 sẽ bắt đầu pha nửa tối; 1 giờ 24 phút bắt đầu pha một phần; 2 giờ 30 phút bắt đầu pha toàn phần; 3 giờ 21 phút nguyệt thực đạt cực đại (Mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của trái đất).

Tới 4 giờ 13 phút, hiện tượng sẽ kết thúc pha toàn phần; 5 giờ 19 phút kết thúc pha một phần và 6 giờ 28 phút sẽ kết thúc pha nửa tối (người quan sát không xem được giai đoạn này).

Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn cho hay, lý do người quan sát ở Việt nam không quan sát được pha nửa tối vì vào thời điể này trời đã sáng và Mặt Trăng đã lặn. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá đáng tiếc khi mà nguyệt thực đã kéo dài nhiều giờ và pha nửa tối cũng không có gì quá đặc biệt.

Giải thích lý do về việc pha toàn phần kéo dài rất lâu (khoảng 103 phút) khiến cho sự kiện này được xem là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, vị chuyên gia này cho hay do bóng của Trái Đất khá lớn, nếu như Mặt Trăng chỉ đi vào phần rìa của nó thì thời gian nằm hoàn toàn trong vùng tối để có nguyệt thực sẽ rất ngắn. Tuy nhiên, đường đi của Mặt Trăng càng đi gần qua trung tâm của vùng bóng tối thì càng mất nhiều thời gian và do đó nguyệt thực toàn phần càng kéo dài.

Người quan sát có thể dùng mắt thường để ngắm hiện tượng mà không có bất cứ đe dọa nào với mắt. Tuy nhiên, nếu có một chiếc kính thiên văn, ống nhòm thì việc quan sát sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, người quan sát cần chú ý vấn đề thời tiết, vị trí quan sát ít ô nhiễm và tránh ánh đèn để nhìn Mặt Trăng được rõ...

Theo VIETNAM+