Nhà báo của Tổ quốc, của Nhân dân

26/07/2024 - 03:30

 - Năm 1967, sau khi tốt nghiệp đại học, người thanh niên 23 tuổi Nguyễn Phú Trọng được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), phụ trách công tác tư liệu. Một bước khởi đầu nhỏ, nhưng đầy quan trọng, góp phần hình thành nên nhà báo Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Quá trình làm việc tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu cách viết báo, “trình làng” tác phẩm báo chí đầu tay “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu”, đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968. Kể từ sau tác phẩm này, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã tích cực viết hàng loạt bài báo thể loại nghiên cứu, được đăng tải ở nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau.

Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều công việc, ở Ban Xây dựng Đảng, Phó Trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Ủy viên Ban Biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng Biên tập (tháng 5/1990), rồi trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khi 47 tuổi.

Gần 3 thập kỷ sống với nghề báo, nhà báo Nguyễn Phú Trọng tích cóp cho mình một “gia sản” lớn: Viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận thuộc nhiều thể loại khác nhau (xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm, giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực…).

Từ tháng 8/1996, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rời Tạp chí Cộng sản để nhận những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhân dân giao phó. Kết thúc hành trình dài 29 năm gắn bó với nghề báo, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ trọn cốt cách của người làm báo, luôn hướng về báo chí và trân trọng đội ngũ làm báo.

Đồng chí từng căn dặn: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”.

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Hà Xuân Trường (trái) trao Huy chương Vì sự nghiệp báo chí cho nhà báo Nguyễn Phú Trọng. Ảnh tư liệu

4 năm sau khi rời Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7 nhiệm kỳ liên tiếp); Ủy viên Bộ Chính trị (6 nhiệm kỳ liên tiếp); trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp). Trong khoảng thời gian (cũng gần 30 năm) này, Đảng và Nhân dân được tiếp cận với đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngoài bóng dáng của một nhà báo lành nghề, còn là một nhà lãnh đạo, nhà chính trị xuất sắc, một nhà khoa học sắc bén.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, từ năm 1990 đến nay, đơn vị đã tổ chức biên tập, xuất bản hơn 40 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nhiều cương vị, ở nhiều vị trí công tác, phụ trách những lĩnh vực khác nhau. Từ đó, góp phần làm rõ tư duy lý luận, thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN ở Việt Nam.

Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng “Đảng vững mạnh - Đất nước phát triển -  Dân tộc trường tồn - Nhân dân hạnh phúc”.

Với khối lượng bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… đồ sộ, tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuốn sách thể hiện sự lãnh, chỉ đạo toàn diện của Đảng và người đứng đầu Đảng ta về đường lối xây dựng đất nước; đối với các lĩnh vực, các ngành, các cấp; định hướng nhiệm vụ trọng yếu nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Một số cuốn sách nổi tiếng, như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”…

“Hiếm có cuốn sách lý luận chính trị nào được đông đảo Nhân dân trong nước và quốc tế quan tâm, đón nhận, tìm hiểu như các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sức hấp dẫn nằm ở tư duy, trí tuệ, phong cách và con người của đồng chí, từ sự yêu mến, kính trọng, tin tưởng của Nhân dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là nhà báo, nên ngôn ngữ, văn phong được thể hiện trong các cuốn sách của đồng chí giàu tính thời sự, tính hình ảnh, giản dị và thuyết phục, gần gũi với người đọc, có sức lan tỏa sâu rộng” - PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhận xét.

Nói về cuốn sách đặc sắc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Với vốn kiến thức phong phú, sự am hiểu sâu sắc của một cử nhân khoa văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, nay là GS.TS, Tổng Bí thư của Đảng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo, cùng với quá trình không ngừng tự học tập, tự rèn luyện, đồng chí chia sẻ: “Mỗi phóng viên, biên tập viên, nhà báo phải có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, chịu khó học tập, kiên trì rèn luyện “để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được”, cần “cẩn trọng trong từng câu, từng chữ”, luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để “văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng, dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao” thì mới có được bài báo hiệu quả nhất”.

Mừng Đảng ta bước vào tuổi 94 (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Cuối bài viết, là những dòng chữ như lời hiệu triệu thiêng liêng: “Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng XHCN”.

Người viết nên lời hiệu triệu ấy giờ đã “về với thế giới người hiền” cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đại tướng Võ Nguyên Giáp… Một nhà báo, nhà cách mạng trọn đời vì Tổ quốc, vì Nhân dân đã hóa thành ngôi sao sáng trên bầu trời cao rộng, để lại muôn vàn tiếc thương trong lòng dân tộc Việt Nam nói chung, đội ngũ người làm báo nói riêng.

Khắc ghi lời dạy của Người, chúng tôi gửi lời hứa sắt son: Mãi mãi thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là “đội quân chủ lực, tiên phong trên mặt trận tư tưởng”, góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc!

 GIA KHÁNH