Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa tiến hành công bố kết quả việc triển khai ngăn chặn cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng.
Theo đó, đã có 111.694 thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã được các nhà mạng chặn lọc thành công kể từ tháng 7/2020 đến hết tháng 2/2021. Đáng chú ý, chỉ trong 2 tháng đầu của năm 2021, đã có hơn 22.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý bởi các nhà mạng.
Các nhà mạng đang triển khai mạnh việc dọn rác viễn thông theo sự điều phối của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Cụ thể, đã có 14.646 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý trong tháng 1/2021 và 7.400 thuê bao bị xử lý trong tháng 2/2021. Trước đó, trong 6 tháng cuối cùng của năm 2020, trung bình mỗi tháng, các nhà mạng đã chặn lọc thành công khoảng 15.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác/tháng.
Đây là kết quả của chiến dịch “quét dọn” rác viễn thông được Cục Viễn thông triển khai từ tháng 7/2020. Kể từ thời điểm này, dưới sự điều phối của Cục Viễn thông, các nhà mạng đã thống nhất sẽ tiến hành xử lý dứt điểm cuộc gọi rác bằng biện pháp kỹ thuật.
Thống kê về lượng thuê bao bị chặn do phát tán cuộc gọi rác.
Cuộc gọi rác được hiểu là cuộc gọi từ số điện thoại di động, cố định trong nước và quốc tế với nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn. Cuộc gọi rác cũng dùng để chỉ các cuộc gọi có nội dung, mục đích lừa đảo, quấy rối, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật.
Có 5 tiêu chí dùng để xác định thế nào là một cuộc gọi rác. Các tiêu chí này bao gồm tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng của người dùng di động.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông còn sử dụng các tin nhắn dưới dạng USSD đằng sau mỗi cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác để ghi nhận ý kiến phản hồi từ phía người tiêu dùng.
Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Tỷ lệ chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác theo từng nhà mạng trong tháng 2/2021.
Với các nhà mạng, nếu không thực hiện nghiêm việc ngăn chặn cuộc gọi rác, các doanh nghiệp này có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ở thời điểm hiện tại, Viettel vẫn là nhà mạng làm tốt nhất trong việc ngăn chặn việc phát tán cuộc gọi rác. Theo số liệu của Cục Viễn thông, nhà mạng này chiếm tới 68% tổng lượng thuê bao bị ngăn chặn. Với các nhà mạng khác, 23% số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý thuộc về VNPT, 8% của MobiFone, 1% của I Telecom và 0.19% của Vietnamobile.
Trước đó, thị trường viễn thông trong nước từng ghi nhận tình trạng chênh lệch lớn về tỷ lệ ngăn chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác giữa các doanh nghiệp viễn thông. Viettel và VNPT là 2 nhà mạng luôn có tỷ lệ “quét rác” viễn thông ở mức cao. Trong khi 2 nhà mạng khác là MobiFone và Vietnamobile lại có tỷ lệ “quét rác” khá thấp so với lượng thuê bao mà 2 doanh nghiệp này đang sở hữu.
5 tiêu chí xác định cuộc gọi rác:
1, Tần suất thực hiện cuộc gọi: Là số cuộc gọi đi từ một thuê bao điện thoại trong một khoảng thời gian. Ví dụ: Tối thiểu 200 cuộc gọi đi/ngày từ 8 giờ đến 18 giờ.
2, Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn: Là tỷ lệ số cuộc gọi có khoảng thời gian thực hiện ngắn (từ khi kết nối đến khi kết thúc cuộc gọi) trên tổng số cuộc gọi. Ví dụ: Hơn 80% số cuộc gọi có thời gian liên lạc dưới 25 giây.
3, Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn: Là tỷ lệ số cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn (khoảng thời gian giữa hai cuộc gọi đi liên tiếp nhau) trên tổng số cuộc gọi. Ví dụ: Hơn 50% số cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi dưới 20 giây.
4, Tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ: Là tỷ lệ cuộc gọi đến các số điện thoại không có mối quan hệ (chưa từng gọi trước đây) trên tổng số cuộc gọi đi. Ví dụ: 90% số bị gọi khác nhau, không lặp lại.
5, Đặc điểm hành vi sử dụng: Thuê bao chủ yếu sử dụng để gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn SMS. |
Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)