Nhà mạng Mỹ bị phạt 200 triệu USD vì gian lận hàng triệu USD tiền trợ cấp

07/11/2020 - 08:25

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã phạt nhà mạng T-Mobile 200 triệu USD vì liên quan đến việc gian lận hàng triệu USD tiền trợ cấp của chính phủ trong chương trình hỗ trợ khách hàng sử dụng điện thoại có thu nhập thấp.

FCC cho rằng, đây là khoản tiền phạt lớn nhất mà cơ quan này áp dụng để giải quyết một cuộc điều tra. Tuy nhiên, với bản chất nghiêm trọng của vi phạm, nhà mạng T-Mobile có thể không có sự khiếu nại nào. Khoản tiền phạt này thực chất là liên quan đến các hoạt động do công ty con Sprint thực hiện trước khi sáp nhập với T-Mobile. Mặc dù, trước khi sáp nhập T-Mobile đã biết về cuộc điều tra này nhưng đã không ngờ rằng số tiền phạt lại lớn như vậy.

Cho dù, thương vụ sáp nhập giữa T-Mobile và Sprint có trị giá lên tới 26 tỷ USD thì số tiền phạt 200 triệu USD không phải là một số tiền quá lớn nhưng cũng không phải là nhỏ.

Nhà mạng Mỹ bị phạt 200 triệu USD vì gian lận hàng triệu USD tiền trợ cấp

Quyết định xử phạt của FCC bắt nguồn từ việc Sprint không tuân thủ các quy tắc được quy định trong Chương trình Lifeline, đây là một chương trình hỗ trợ của chính phủ Mỹ nhằm cung cấp các dịch vụ điện thoại và băng rộng có mức giá phù hợp cho các khách hàng có thu nhập thấp. Chương trình này cho phép một công ty viễn thông thu một khoản trợ cấp của nhà nước là 9,25 USD mỗi tháng cho hầu hết khách hàng đang sử dụng dịch vụ thuộc đối tượng được trợ cấp. Tuy nhiên những khách hàng nằm trong đối tượng trợ cấp nhưng không sử dụng dịch vụ thường xuyên thì nhà mạng sẽ không được nhận khoản trợ cấp này.

Trong khi đó, điều tra của FCC cho rằng, nhà mạng Sprint đã yêu cầu nhà nước trợ cấp hàng tháng cho 885.000 khách hàng không sử dụng dịch vụ. Mặc dù, FCC không tiết lộ số tiền mà Sprint thu được bất hợp pháp là bao nhiêu nhưng đây là một số tiền tương đối lớn. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch FCC – ông Ajit Pai cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chương trình Lifeline là chương trình quan trọng cho cam kết của chúng tôi trong việc mang lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số cho những người Mỹ có thu nhập thấp và đặc biệt quan trọng là chúng tôi phải tận dụng tốt nhất số tiền mà người dân đóng thuế cho chương trình quan trọng này. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể giải quyết cuộc điều tra này theo cách gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc được thiết kế để ngăn ngừa lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chương trình Lifeline”.

Trong phán quyết của mình, FCC giải thích rằng, Sprint đã tự nguyện tiết lộ vấn đề và đổ lỗi cho một sự cố liên quan đến phần mềm. Cụ thể Sprint cho rằng, do sự cố lập trình phần mềm, hệ thống mạng của Sprint đã không phát hiện ra việc hơn một triệu người đăng ký sử dụng chương trình Lifeline trên toàn quốc không sử dụng dịch vụ trong một khoảng thời gian dài và điều đó đã dẫn đến việc họ vẫn yêu cầu khoản trợ cấp từ chính phủ.

Theo PHAN VĂN HOÀ (Vietnamnet)