Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 (IDI): Mỗi tháng tiết kiệm hàng trăm triệu đồng khi lắp điện mặt trời

05/04/2019 - 15:12

Giữa năm 2017, Tập đoàn Sao Mai đã đóng điện thành công Nhà máy điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái có công suất (1,06 MW, vốn đầu tư 2 triệu USD) lớn nhất cả nước lúc bấy giờ.

Hệ thống điện mặt trời của Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1, do Tập đoàn Sao Mai lắp đặt.

Sau nhiều năm hoạt động, dòng điện sạch này đã giúp giảm 20%/năm chi phí tiền điện cho Công ty CP Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (I.D.I), mặt khác còn bảo đảm nguồn điện liên tục và quan trọng hơn cả là ứng dụng NLMT vào sản xuất mà Sao Mai là nhà tiên phong khai thác.

Trên mái nhà xưởng của Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 được lắp đặt 2.970 tấm pin lượng mặt trời theo hướng Đông Nam, có khung đỡ chắc chắn, với góc nghiêng 12 độ để đón nắng nhiều nhất. Thiết kế này đảm bảo độ an toàn cao trong thời tiết mưa bão, gió và lốc xoáy, thậm chí chịu được bão cấp 12 ở khu vực gần biển. Khoảng cách giữa các dãy pin đủ lớn để di chuyển khi sửa chữa, bảo hành.

Trung bình, tại tỉnh Đồng Tháp có khoảng 5 giờ nắng/ngày, địa phương này cũng nằm trong dải cường độ bức xạ lớn hơn 3,489 kcal/m2/ngày. Do đó, việc Sao Mai Group đầu tư kinh phí khá lớn để lắp điện mặt trời áp mái cho Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 là một quyết định đúng đắn và mang tầm chiến lược dài hơi.

Để chuyển quang điện thành dòng điện 2 chiều, nhà máy dùng 8 inverter biến tần cỡ lớn và dây dẫn. Giàn năng lượng mặt trời này có tổng công suất 980kwp, hàng năm sản xuất khoảng 1400MW giúp nhà máy của IDI tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện mỗi năm, tương đương 417 triệu đồng/tháng. Tính ra giá trị của hệ thống mang đến thời điểm hiện tại là hơn 15 tỉ đồng. Chưa tới 5 năm, chủ đầu tư sẽ hòa vốn, còn tới 20 năm tiếp theo sẽ dùng hệ thống điện mặt trời gần như miễn phí. Tuy nhiên, sản lượng điện của hệ thống mới chỉ đáp ứng được 30% lượng điện tiêu thụ của cả tổ hợp nhà máy, vì thế, IDI vẫn chưa thể dư điện mặt trời để bán cho EVN.

Trên diện rộng, hiện trạng của doanh nghiệp chế biến thủy sản là chi phí điện năng rất lớn. Trung bình, mức tiêu thụ điện dao động từ 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm, trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống đông lạnh là lớn nhất, chiếm tới 70%.

Nếu các doanh nghiệp thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư theo mô hình điện mặt trời mà Sao Mai Group đã làm cho IDI thì sẽ tiết kiệm được tiền tỷ cho chi phí điện sản xuất, góp phần đắc lực vào việc tiết kiệm năng lượng đáng kể cho quốc gia.

P.V

 

Liên kết hữu ích