Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: NVCC)
Kết thúc đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X diễn ra 23-25/11 tại Hà Nội, gần 600 đại biểu đã nhất trí với kết quả bầu Ban chấp hành mới. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Hai Phó chủ tịch Hội là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Nhà văn Khuất Quang Thụy là trưởng ban kiểm tra của hội.
Như vậy, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 người: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Trần Hùng, Vũ Hồng, Hữu Việt.
Phát biểu khi nhận nhiệm vụ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự xúc động trước niềm tin và sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể hội viên.
“Thay mặt những người đang cầm bút, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước, toàn thể hội viên và các cơ quan liên quan đã góp phần để đại hội thành công tốt đẹp. Chúng tôi xin tiếp bước con đường của những nhà văn chân chính, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.”
Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng tân chủ tịch Hội nhà văn và Ban chấp hành mới. (Ảnh: CTV)
“Tôi cảm động khi nhận được sự tin tưởng của toàn thể đại hội. Khi có lòng tin chúng tôi sẽ phát huy được những gì đẹp đẽ nhất trong mình và khơi gợi những gì tốt đẹp nhất trong các hội viên khác, từ đó, chúng ta sẽ làm được điều gì đó tươi mới cho văn học Việt Nam,” ông nói.
Một chặng đường văn chương
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, kiểm điểm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015-2020), tiến hành giới thiệu và bầu nhân sự Ban chấp hành khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025).
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đưa ra danh sách 11 người do Ban chấp hành khóa IX (nhiệm kỳ 2015-2020) giới thiệu và đề nghị Đại hội giới thiệu thêm 4 người nữa. Dù được tín nhiệm giới thiệu vào danh sách nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh chủ động rút lui, không tiếp tục ứng cử Ban chấp hành khóa mới.
Theo công bố của Ban tổ chức, Đại hội đã thu về 535 phiếu trên tổng số phiếu phát ra là 580, trong đó có 533 phiếu hợp lệ và 2 phiếu không hợp lệ.
Kết quả kiểm phiếu cuối ngày, 11/15 đề cử đã được bầu chọn cho Ban chấp hành mới (thứ tự theo tỷ lệ bầu chọn) gồm: nhà văn Nguyễn Bình Phương: 88%; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 85%; nhà thơ Trần Đăng Khoa: 79%; nhà văn Nguyễn Thu Huệ: 73%; nhà thơ Lương Ngọc An 71%; nhà văn Khuất Quang Thuỵ: 65%; nhà văn Vũ Hồng: 65%, nhà thơ Trần Hữu Việt, 63%; nhà thơ Trần Hùng: 62%, nhà thơ Phan Hoàng: 54% và nhà văn Bích Ngân: 54%.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại Ứng Hòa (Hà Nội), học ngoại ngữ ở Cuba rồi làm báo Văn Nghệ và là hiện đang là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông đã in gần 30 tác phẩm: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ dịch và đoạt nhiều giải thưởng thơ và truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN. Ngoài thơ ông còn viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958 ở Nam Sách (Hải Dương), nổi tiếng là thần đồng thơ từ năm 10 tuổi trong kháng chiến chống Mỹ, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du và Học viện Gorky ở Nga, từng là sĩ quan hải quân công tác ở Trường Sa. Ông đã in gần 20 tập thơ, trường ca, bút ký, chân dung văn học, phê bình và nhiều tập sách được in ở nước ngoài; được tặng nhiều giải thưởng văn học, giải nhất thi thơ báo Văn Nghệ và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội, hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã in hơn 10 tập tiểu thuyết và thơ, đã được trao nhiều giải thưởng văn học.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phát biểu tại đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận những thành quả của Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, khẳng định Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, có nhiều tác phẩm phản ánh sự phát triển của đất nước, tổ chức nhiều hội nghị với sự tham gia của đại biểu quốc tế, quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước ra thế giới, quyết liệt đấu tranh với những điều sai trái cản trở sự phát triển của dân tộc.
“Trong quá khứ, có nhiều nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng. Họ để lại những trang viết quý giá, trở thành di sản lớn của dân tộc. Ngày nay, các nhà văn Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, chia sẻ những tâm tư của nhân dân,” ông nói.
“Tuy nhiên cũng cần thừa nhận những hạn chế như chưa có những tác phẩm lớn về cơ đồ, tiềm lực, vị thế đất nước trong giai đoạn hiện nay, chưa có tác phẩm làm nên hiện tượng văn học.”
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi đại hội đã chọn ra được ban chấp hành mới và thể hiện sự trân trọng với nhà thơ Hữu Thỉnh dù được tín nhiệm nhưng vẫn chủ động xin rút lui để một thế hệ tiếp theo sẽ tiếp nối và phát triển hội nhà văn, tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội.
“Kẻ thù thời bình cũng nguy hiểm không kém thời chiến. Đó là sự vô cảm, ích kỷ, tham lam, giả dối, thoái hóa biến chất của con người. Từ đó, sứ mạng của nhà văn ngày càng lớn lao hơn. Tôi mong rằng các nhà văn, nhà thơ sẽ đáp ứng mong mỏi của độc giả bằng những tác phẩm hay, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc,” ông nói thêm.
Nhiều kỳ vọng ở Ban chấp hành mới
Nhiều hội viên bày tỏ sự phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng vào Ban chấp hành mới và sự phát triển vượt bậc của Hội nhà văn trong một giai đoạn mới của đất nước.
Nhà văn Tống Ngọc Hân (Phú Thọ) nhận thấy thành công lớn nhất là đại hội đã thống nhất bầu được 11 thành viên Ban chấp hành mới theo đúng như dự kiến, không có những tranh cãi trong quá trình giới thiệu nhân sự.
Nhà văn Tống Ngọc Hân, tác giả của hơn 10 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, thơ và truyện ngắn. (Ảnh: NVCC)
“Bước vào đại hội, tôi có chút lo lắng, sợ những tổn thương không đáng có sẽ gây ra cho các nhà văn trong quá trình bầu cử, bởi văn nghệ sỹ nói chung đều có nhạy cảm và có ‘cái tôi’ lớn. Tuy nhiên, điều ấy đã không xảy ra. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã vui vẻ rút lui trong sự trân trọng của đại hội. Tâm trạng nói chung của tất cả đại biểu tham dự là phấn khởi và thoải mái,” nhà văn chia sẻ.
“Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một người tài năng, tâm huyết và quảng giao. Tôi tin rằng ở cương vị mới và nhiệm vụ mới, anh sẽ cùng Ban chấp hành đưa nền văn chương Việt đến với cơ hội đổi mới phát triển mạnh mẽ hơn và hội nhập sâu rộng hơn. Anh là người lãnh đạo được anh em văn nghệ sỹ tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng.”
Như vậy, Đại hội năm nay thực sự đã trở thành một ngày hội ý nghĩa. Nhà thơ Anh Ngọc bày tỏ sự phấn khởi với kết quả bầu cử Ban chấp hành mới. Ông vui mừng vì nhà thơ Hữu Thỉnh, người bạn của ông từ nay sẽ được trở về với công việc bình thường của một nhà thơ, có thời gian để sống trọn vẹn với cảm xúc, sáng tạo của riêng mình và đó là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ, ông chia sẻ với phóng viên Báo VietnamPlus.
“Ban chấp hành nhiệm kỳ vừa rồi làm rất tốt, đã quan tâm, động viên anh em rất nhiều. Tôi mong rằng Ban chấp hành mới sẽ tiếp tục tinh thần đó, quan tâm tới hội viên cả về tinh thần và vật chất để các nhà văn yên tâm sáng tác,” ông nói.
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Anh Ngọc tại đại hội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngoài ra, ông đề xuất nên có một hội đồng giới thiệu các tác phẩm hay để nhận Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng cao quý khác, tránh việc tác giả phải tự đi xin giải thưởng.
"Tôi được biết nhiều nhà văn không làm, bản thân tôi cũng sẽ không làm. Năm 2012 tôi có Giải thưởng Nhà nước là do Chi hội Văn nghệ Quân đội làm hồ sơ cho tôi. Theo tôi nên thành lập một hội đồng gồm những người hiểu biết, có tâm đề xuất, chứ không nên để tự các nhà văn làm hồ sơ.”
“Ngoài ra, Ban chấp hành mới cũng nên tổ chức nhiều chuyến đi trại sáng tác, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ để động viên, thúc đẩy sáng tạo. Bên cạnh đó là tổ chức các cuộc thi giải thưởng, đặc biệt là với các bạn trẻ ngoài việc có giải thưởng, còn là tạo tên tuổi cho mình," nhà thơ Anh Ngọc nói thêm.
Theo MINH THU (Vietnamplus)