Bến xe Nước Ngầm. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN
Không lo thiếu xe
Qua khảo sát của phóng viên, hiện trên nhiều tuyến vận tải hành khách, các nhà xe đã mở bán vé Tết từ thời điểm giữa tháng 1, nhiều tuyến xe đã được đăng ký mua tới 80%. Các nhà xe khẳng định, đã tăng số chuyến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, đến nay, để chuẩn bị phục vụ hoạt động đi lại của người dân dịp Tết, bến xe đã nhận thông báo của các nhà xe tăng cường khoảng 100 xe cho các tuyến có nhu cầu cao, để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại, về quê đón Tết của người dân. Cùng đó, đơn vị này chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2024.
Theo chia sẻ của các nhà xe, thời điểm này đều đã có kế hoạch tăng chuyến chở khách, tăng thời gian xuất bến sớm – muộn hơn ngày thường. Giám đốc điều hành Công ty Du lịch và vận tải Vân Anh - ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhà xe đã có kế hoạch đưa 40 chuyến xe chở khách Hà Nội - Thanh Hóa mỗi ngày, tăng thời gian từ 3h sáng đến 22h đêm. Đồng thời cũng bố trí 80 xe trung chuyển ở hai đầu bến để đưa đón người dân từ bến xe về nhà trong khu vực nội thành.
Chúng tôi cũng đã đưa vào hoạt động thêm 8 chuyến xe giường nằm mới và chuẩn bị các thủ tục để tới đây có thêm 8 xe giường nằm nữa, nâng tổng số xe mới lên 16 xe thay thế cho các xe cũ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp này.
Đến nay, nhà xe Vân Anh đã có khoảng 80% hành khách đặt xe dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các ngày từ 6/2-8/2 (tức từ ngày 27 – 29 Tết) mỗi chuyến chỉ còn từ 2-7 chỗ trống; riêng ngày 30 Tết, số chỗ trống vẫn còn khá nhiều, người dân không lo thiếu xe.
Tương tự với nhà xe Hải Vân, trên tuyến Hà Nội – Sơn La, Hà Nội - Điện Biên, các ngày từ 27 Tết đến 30 Tết, nhà xe này cho biết hầu hết đã kín chỗ, tuy nhiên người dân không lo thiếu xe bởi nhà xe này đã tăng cường thêm số chuyến hàng ngày.
Ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc chi nhánh Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân cho biết, các tuyến này nhà xe đã nâng tổng số lên khoảng 20 chuyến/ngày, chủ yếu tập trung vào buổi tối để phục vụ hành khách. Đến nay đã có khoảng 80-85% khách đặt chỗ dịp cận Tết.
Với các tuyến khác, nhà xe cũng đã tăng 20% số chuyến để đảm bảo không thiếu xe phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết. Cùng đó, đơn vị cũng huy động 100% nhân viên bán vé tập trung tại các bến xe, văn phòng, điểm bán vé để hỗ trợ người dân lấy vé, hướng dẫn lên xe, ông Dũng cho biết thêm.
Với các nhà xe khác, các tuyến ngắn như Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đều tăng cường số xe từ 15-20%, phục vụ từ 4h sáng đến tối muộn để phục vụ người dân về quê. Đa số các chỗ ngồi đã có người đặt trước.
Phía nhà xe Văn Minh cho biết, ngay từ cuối tháng 12/2023 – đầu tháng 1/2024, đơn vị đã thực hiện duy tu, sửa chữa và làm vệ sinh các xe hiện có. Không chỉ tăng số lượng xe, công ty cũng quán triệt lái xe, phụ xe phải luôn chấp hành các quy định về an toàn giao thông, chạy đúng tốc độ, không chèn ép, nhồi nhét khách. Các lái xe luôn được kiểm tra nồng độ cồn trước khi lên xe.
Rục rịch tăng giá vé
Chia sẻ của nhiều nhà xe cho biết, bước vào dịp cao điểm, mức giá vé thời điểm Tết có tăng nhẹ so với ngày thường.
Công ty cổ phần Quản lý bến xe Hà Nội cho hay, một số doanh nghiệp vận tải đã gửi thông báo với mức tăng giá vé khoảng 20 - 60% tùy chuyến đi.
Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cho biết, lượt khách bình quân dịp Tết tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Lượt xe ra vào bến trong thời điểm Tết vì thế cũng tăng, chủ yếu ở các tuyến như Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… Trước nhu cầu người dân tăng cao, một số doanh nghiệp đã thông báo tăng giá vé. Điển hình như tuyến Hà Nội - Cao Bằng, các nhà xe tăng từ 60.000 đồng lên 100.000 đồng/vé/khách/chiều.
Đối với xe giường nằm tuyến Hà Nội - Cao Bằng, giá từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng, tăng 50% với xe giường nằm không phân phòng. Cùng tuyến này, với xe loại 22 giường có chia phòng, giá tăng từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng (tăng 17%).
Tại Bến xe Giáp Bát, cũng có 4 đơn vị thông báo tăng giá trên 5 tuyến dịp Tết. Cụ thể, Hợp tác xã Vận tải Đồng Tâm chạy tuyến Hà Nội - Hà Nam và ngược lại đã tăng giá từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng (tăng 60%). Với tuyến Hà Nội - Ninh Bình, tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 40%). Nhà xe Anh Nguyên chạy tuyến Hà Nội - Nho Quan (Ninh Bình) cũng tăng giá vé từ 79.000 đồng lên 103.000 đồng (tương đương 30,4%).
Tại khu vực phía Nam, nhà xe Phương Trang cũng tăng giá vé lên 40% so với ngày thường, từ khoảng 130.000 đồng/vé lên 180.000 đồng/vé.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (quê Cao Bằng) cho biết, mức giá tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng, tùy loại xe là nhiều nhưng đây cũng là mức tăng hợp lý. Bởi nhu cầu trong thời điểm này tăng cao, lượng đặt vé tăng. “Quan trọng là có đủ xe, các nhà xe phục vụ an toàn, không nhồi nhét khách là chúng tôi an tâm”.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đối với đơn vị khai thác bến xe trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (gồm bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa) và bến xe Nước Ngầm, Sở sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát các xe ra vào bến đăng ký đón trả khách, kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái, hàng hoá, hành lý theo quy định; kiểm tra hành khách có dấu hiệu đưa các chất cháy nổ, các loại hàng hoá, hành lý cấm vận chuyển lên phương tiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Các đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, chủ động phối hợp với bến xe tổ chức bán vé trực tuyến cho hành khách, hạn chế tối đa để hành khách phải chen lấn, xô đẩy tranh giành chỗ để lên xe; không tùy tiện tăng giá cước, thu phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng lượng hành khách cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai và lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.
Theo TTXVN