Nhạc bolero trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

06/12/2023 - 22:23

Ngày 5/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh bolero là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo PL. Prensa Latina đưa tin, tại phiên họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại thành phố Kasane, phía Bắc Botswana, UNESCO đã chính thức ghi danh bolero là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại theo hồ sơ đề nghị của Cuba và Mexico.

Đại sứ Cuba tại UNESCO Yahima Esquivel khẳng định bolero không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là sự pha trộn giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ, giữa văn hóa châu Âu, nhịp điệu châu Phi và bản sắc Mỹ Latin.

Lịch sử của bolero ở Cuba bị ảnh hưởng bởi sự phổ biến của phong cách âm nhạc son cubano truyền thống. 

Bolero là một loại hình thanh nhạc, nhạc cụ và khiêu vũ bắt nguồn từ thành phố Santiago de Cuba từ cuối thế kỷ XIX và lan rộng khắp Cuba. 

Theo nhà nghiên cứu Luis Antonio trong quyển sách nói về lịch sử của dòng nhạc bolero tại Cuba (Historia del bolero cubano), bản nhạc bolero đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1883 do chính  nhạc sĩ José Pepe Sánchez sáng tác mang tựa đề Me Entristeces, Mujer mà sau này người ta thường hay gọi một cách ngắn gọn là Tristezas (Những nỗi buồn).

Khai sinh từ Cuba, dòng nhạc bolero sau đó đã nhanh chóng lan tỏa ra nước ngoài và bén rễ tại các quốc gia Nam Mỹ và ở vùng biển Caribê, tiêu biểu nhất là Puerto Rico. Riêng tại Mexico, dòng nhạc bolero chính thức ra đời vào đầu những năm 1920, thời mà các tác giả Trung Mỹ lao vào phong trào sáng tác theo thể điệu này. Bản nhạc bolero đầu tiên nổi tiếng trên khắp Nam Mỹ là bài Lágrimas Negras do nhạc sĩ Miguel Matamoros sáng tác vào năm 1929. Bản thứ hai là El Manisero, ghi âm vào năm 1930, cả hai bài phá kỷ lục số bán với hơn một triệu bản.

Sức hấp dẫn của bolero không chỉ nằm trong giai điệu tình tứ ngọt ngào mà còn nằm trong nhịp điệu du dương lãng mạn, có thể hoà quyện nuôi dưỡng nhiều dòng nhạc khác.

Theo Vietnamnet