Nhận xong tiền bán đất, không giao tài sản?

24/11/2021 - 06:27

 - Bức xúc cho rằng người sang nhượng đất nhận gần hết tiền giao dịch, nhưng tìm cách né tránh không giao đất, sau đó không liên lạc được, người mua gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý vụ việc.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Lê Thị Xuân (sinh năm 1951, ngụ ấp Khánh Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, nghe tin ông D.V.H kêu bán đất trồng cây hàng năm, bà đến nhà tìm hiểu, ngã giá, đặt tiền cọc mua. Đất có chiều ngang 5m từ mé lộ nông thôn, dài đến con mương khoảng 70m, tổng số tiền 175 triệu đồng. Thấy đất kêu bán đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), lại là người quen biết ở cùng ấp, bà nghĩ tài sản đã đủ điều kiện, yên tâm hỏi mua. Khi bà giao 50 triệu đồng tiền cọc, 22 ngày sau (8-5-2020), ông H. kêu bán thêm 1m chiều ngang chạy dài. Vài ngày sau, ông H. kêu bán thêm 1m đất chạy dài.

Bà Lê Thị Xuân trình bày vụ việc

Như vậy, bà quyết định mua mảnh đất có chiều ngang 7m chạy dài, tổng trị giá 245 triệu đồng. “Ông H. nói đang cần tiền gấp, gia đình tôi phải chạy tiền đưa mấy lần. Đôi bên làm biên nhận ký tên, có người làm chứng và Ban Nhân dân ấp Khánh Hòa xác nhận. Vài ngày sau, gia đình tôi giao 195 triệu đồng, ông H. thỏa thuận: Chờ khi sang tên, ông sẽ giao đất, lúc đó tôi trả số tiền còn lại. Sau đó, gia đình tôi nhiều lần hối thúc làm thủ tục sang tên, nhưng ông H. cứ hứa hẹn, có biểu hiện né tránh, viện lý do “việc nhà bận rộn, có việc gấp giải quyết”. Kể cả khi có thông báo của địa phương đến vị trí đất sang nhượng để đo đạc, làm thủ tục, ông H. vẫn luôn thông báo “bận đi làm”, không có mặt. Gọi điện thoại thì lúc đầu ông còn nghe máy, hứa hẹn thời gian giải quyết, dần dần không tiếp điện thoại của tôi nữa. Từ thời điểm giao dịch đến nay đã 19 tháng, tiền tôi đã đưa nhưng đất không được lấy, thiệt hại nặng cho gia đình tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi của ông H. theo quy định của pháp luật, buộc ông giao phần đất tôi mua hợp pháp” - bà Xuân đề nghị.

Thông qua điện thoại, phóng viên nhiều lần liên lạc với ông D.V.H nhưng không được. Ngay sau đó, ông H. thông tin về cho bà Xuân, khẳng định ông biết bà Xuân khiếu nại vụ việc đến địa phương và báo chí. Ông H. hứa khoảng 1 tuần sẽ về thực hiện giao dịch như đã cam kết. Liên quan về việc này, Ban Nhân dân ấp Khánh Hòa xác nhận, thời gian qua, 2 bên có giao dịch sang nhượng đất, nhưng họ chỉ làm "giấy tay"; phía ông H. ký tên biên nhận nhận tiền.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh An Dương Thanh Phong cho biết, địa phương vừa nhận đơn của bà Lê Thị Xuân khiếu nại cho rằng, bà đã giao số tiền lớn sang nhượng đất nhưng phía người bán đất không thực hiện như cam kết, tìm cách né tránh, không giao đất. Địa phương đã đề nghị đương sự đến trình bày cụ thể sự việc, cung cấp giấy tờ sang nhượng, chứng cứ, các vấn đề liên quan… để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, tình trạng sang nhượng đất làm “giấy tay”, không thực hiện theo quy định của pháp luật còn xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn, dễ phát sinh tranh chấp. Theo nội dung trên, phía ông D.V.H đã nhận phần lớn số tiền trên giá trị tài sản bán, nhưng chưa (hoặc không) làm hết trách nhiệm theo như lời cam kết, xem như lỗi của ông. Bản cam kết là một trong những văn bản, tài liệu được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong đời sống xã hội, có giá trị pháp lý giữa 2 bên ký cam kết. Nếu 1 trong 2 bên không làm đúng nội dung cam kết thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để đảm bảo việc thực hiện cam kết có giá trị hiệu lực pháp lý, phải có chữ ký của 2 bên cam kết và được công chứng hay chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Nếu 2 bên không thương lượng, giải quyết được, bà Lê Thị Xuân có quyền khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện An Phú để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: N.R