Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hùng thực hiện một ca phẫu thuật đường tiêu hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bệnh ung thư đường tiêu hóa ngày càng gia tăng và đang trở thành vấn đề của toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globocan 2020), Việt Nam mỗi năm có hơn 33.000 người mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng, trong đó có hơn 22.000 người tử vong.
Hiện nay, những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa tại Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo cập nhật kiến thức điều trị ung thư đường tiêu hóa do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Tập đoàn IMS Nhật Bản, Tổng hội Y học Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc-Phúc Trường Minh tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động của Tập đoàn IMS Nhật Bản nhằm hướng tới cột mốc quan trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng như tiếp nối chuỗi hoạt động hỗ trợ y tế quốc tế tại Việt Nam.
Theo đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới, đi đầu trong tỷ lệ điều trị thành công các bệnh ung thư đường tiêu hóa nhờ vào việc phát triển y tế dự phòng và ứng dụng các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến. Với mong muốn hỗ trợ cải thiện môi trường y tế các nước trong khu vực, Tập đoàn IMS Nhật Bản triển khai nhiều hoạt động tại Việt Nam như cử các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa chia sẻ cho các y bác sỹ các phương pháp phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa và phẫu thuật bằng robot.
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hùng - Chuyên khoa phẫu thuật tiêu hóa, đại trực tràng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc-Phúc Trường Minh cho hay các bệnh về đường tiêu hóa thường hay tiến triển âm thầm, với triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên nhiều người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác.
Tại hội thảo, các bác sỹ và các đại biểu thảo luận 4 chủ để chính gồm: Nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa; Điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng cách nội soi cắt tách dưới niêm mạc; Chẩn đoán và điều trị sớm ung thư dạ dày; Điều trị ung thư đường tiêu hóa: Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật bằng robot với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực này. Qua hội thảo góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở trong việc chẩn đoán sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa, cải thiện tiên lượng trong việc điều trị ung thư.
Tiến sỹ Shinji Endo - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sa'aikai - Tập đoàn IMS Nhật Bản phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Shinji Endo - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sa'aikai - Tập đoàn IMS Nhật Bản cho hay, kết quả các nghiên cứu cho thấy đa phần trường hợp mắc ung thư dạ dày do vi khuẩn HP gây ra. Nguyên nhân là do vi khuẩn HP sinh sống trên niêm mạc dạ dày sẽ tiết ra nhiều độc tố khiến cho DNA của tế bào niêm mạc dạ dày thay đổi, gây chuyển sản dạ dày ruột, viêm teo dạ dày, loạn sản và ung thư.
Tiến sỹ Shinji Endo nhấn mạnh đặc điểm của người Nhật không thích đi khám sức khỏe nhưng họ rất lo việc mắc ung thư đường tiêu hóa và kiểm tra thường xuyên.
“Hiện nay, để xác định nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày, thông thường xét nghiệm vi khuẩn HP có thể qua nội soi, nhưng thực tế cho thấy nhiều người không thích điều này, vì vậy hay bỏ qua bước quan trọng này. Tuy nhiên, gần đây để tìm vi khuẩn HP trong dại dày và ruột non, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có thể tìm qua xét nghiệm máu, xét nghiệm qua hơi thở nên có thể làm từ những xét nghiệm đơn giản như thế này. Do vậy, mỗi người dân không nên bỏ qua để phát hiện sớm bệnh và loại trừ vi khuẩn HP trong cơ thể,” Tiến sỹ Shinji Endo cho hay.
Với Việt Nam, trước thực trạng nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa đang gia tăng và nhiều ca ở giai đoạn muộn, Tiến sỹ Shinji Endo cho rằng giải pháp để người Việt phát hiện sớm ung thư tiêu hóa đó là cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước làm sao xây dựng được thể chế để tất cả mọi người dân dễ dàng tiếp cận khám sức khỏe, xét nghiệm để phát hiện sớm.
Tiến sỹ Shinji Endo nhấn mạnh nếu như ở Việt Nam có dữ liệu thống kê thời gian sinh tồn của một người bệnh khi được phát hiện ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm, so sánh với thời gian sống của bệnh nhân sau khi phát triển bệnh ở giai đoạn muộn thì thời gian sinh tồn sẽ như thế nào? Nếu có những dữ liệu để truyền cho người dân biết được thì đây cũng là biện pháp rất tốt để người dân tự ý thức được là nếu làm xét nghiệm sớm thì sẽ nhanh chẩn đoán, điều trị kịp thời, kéo dài sự sống.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện nay, có khá nhiều người ngại đi nội soi đường tiêu hóa do lo sợ việc gây mê và cho rằng thuốc gây mê có thể giảm tuổi thọ, Tiến sỹ Shinji Endo khẳng định gây mê trong nội soi đường tiêu hóa, thực quản không làm giảm đi tuổi thọ và bản thân ông năm nào cũng đi nội soi đường tiêu hóa có gây mê để kiểm tra sức khỏe và nhằm phát hiện sớm bệnh.
Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam hiện nay, bệnh lý tiêu hóa vẫn là một trong những mặt bệnh phổ biến nhất. Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số. Các bệnh tiêu hóa từ những bệnh thông thường như: rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư...
Thực trạng này đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nghiên cứu về những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng sâu và chất lượng hơn để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả, giúp giảm gánh nặng bệnh tật của bệnh lý tiêu hóa.
Theo Vietnamplus