Nhạy bén trong làm ăn, nông dân thêm thu nhập

05/04/2021 - 07:28

 - Với bản tính siêng năng và sự nhạy bén với trong kinh doanh đã giúp nhiều nông dân phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bà con nông dân đã biết chọn lựa cây trồng mới phù hợp với lợi thế kinh tế nông hộ và thổ nhưỡng địa phương, tận dụng hiệu quả các nguồn phụ phẩm để tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường sống.

Tận dụng diện tích trồng cây nha đam

Nha đam hay còn gọi là lô hội không chỉ làm nước uống thanh nhiệt cho cơ thể, mà còn có tác dụng giải độc, chống ô-xy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch… Chính vì lợi ích của cây nha đam, hiện nay một số người dân ở 2 xã Tân An, Tân Thạnh (TX. Tân Châu, An Giang) đã tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để phát triển loại cây trồng này.

Bên cạnh việc thu hoạch bẹ làm nước uống cho gia đình, bà con còn nấu nước bán cho người dân ở địa phương và cung cấp cây giống cho những người có nhu cầu. Qua đó, kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể, nhất là trong thời điểm mùa nắng nóng như hiện nay, lượng nước nha đam tiêu thụ được nhiều hơn.

Trước đây, chỉ với vài bụi nha đam trồng làm kiểng trước nhà, hiện giờ số lượng nha đam ở trước sân nhà ông Trương Văn Màng (xã Tân Thạnh) tăng lên hàng chục chậu vì nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này. Theo ông Màng, giống nha đam gia đình ông đang trồng là giống Thái, với ưu điểm là bẹ bự, chỉ sau 6 tháng trồng có thể thu hoạch đợt lá đầu tiên.

“Cây nha đam rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Đầu tiên chỉ cần chuẩn bị chậu dễ thoát nước, về phần đất thì phối trộn từ đất nhuyễn, phân hữu cơ, như: phân bò, phân gà và kết hợp thêm nguyên liệu bã dừa. Sau đó, mỗi chậu trồng từ 2-3 cây giống, đảm bảo nước tưới để đủ độ ẩm thì nha đam sẽ phát triển tốt, 6 tháng sau có thể thu hoạch” - ông Màng chia sẻ.

Tận dụng diện tích xung quanh nhà, nông dân trồng nha đam trong chậu để có thêm thu nhập

Chọn lựa cách trồng nha đam trong chậu thay vì trồng trực tiếp xuống đất giúp nông dân nhẹ được công chăm sóc, nhất là ở khâu tưới nước và làm cỏ, mà lại dễ quản lý được độ ẩm trong đất, tránh xảy ra tình trạng ngập úng, gây thối rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nha đam. Hơn hết, khi trồng nha đam trong chậu, bà con không cần tốn nhiều diện tích mà có thể tận dụng khoảng trống trước sân, bên hông nhà. Mỗi ký bẹ nha đam tươi bán giá 10.000 đồng. Bên cạnh đó, bà con còn thu hoạch bẹ, chế biến thành món nước nha đam đường phèn thanh, ngọt để bán cho khách đi đường, với giá 5.000 đồng/chai. Trong thời gian sinh trưởng, nha đam còn mọc thêm rất nhiều cây con, tiếp tục nhân giống, bán cây con từ 2.000-3.000 đồng/cây.

“Hiện nay, vào mùa nắng nóng nên nước nha đam bán rất chạy vì ai cũng biết nước nha đam rất thanh mát, giải nhiệt. Nha đam được sơ chế cẩn thận, nấu với đường phèn, sáng nấu rồi ướp lạnh, bán đến chiều là hết hàng, sáng mai nấu tiếp nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng” - ông Màng thông tin. Nếu đảm bảo được đầu ra ổn định, cây nha đam sẽ là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương vì nhẹ công chăm sóc, nhanh thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài, giúp bà con nông dân ổn định nguồn thu nhập.

Tăng thu nhập nhờ phụ phẩm

Trước đây, lượng rơm sau khi thu hoạch lúa thường được nông dân dùng để đốt tại đồng. Những năm gần đây, do được khuyến cáo về tác hại của việc đốt đồng cũng như lãng phí về lượng phân hữu cơ mà hoạt động này đã được hạn chế đáng kể. Hơn hết, nông dân còn tìm được nguồn tiêu thụ rơm, giúp bà con có thêm thu nhập sau vụ lúa. Tại huyện Phú Tân, sau thu hoạch lúa nếp, rơm được nông dân tận dụng thu gom bán lại phục vụ các hộ trồng nấm, làm rẫy, nuôi bò… ở trong và ngoài địa phương, nhờ đó bà con có thêm thu nhập.

Thay vì bỏ đi, nông dân thêm thu nhập nhờ bán rơm cho các hộ trồng rẫy, làm nấm, nuôi bò

Thương lái mua rơm cuộn từ nông dân với giá 700.000 đồng/ha, sau đó thuê máy cuộn và bán với giá 15.000-20.000 đồng/cuộn. Mỗi ha sẽ thu được 160-170 cuộn rơm, hoàn toàn do máy xử lý, trở thành hàng hóa đem lại nhiều nguồn lợi trong sản xuất nông nghiệp. Một máy cuộn rơm sẽ cuộn được từ 400-500 cuộn rơm trong ngày, rơm được cuộn gọn gàng, dễ chuyên chở và bảo quản.

Anh Trần Beo Em (ngụ xã Hiệp Xương) cho biết, cuối đợt thu hoạch, anh bán thêm nguồn rơm cho thương lái, “bỏ túi” hơn 300.000 đồng/công. Tại ruộng của anh Beo Em, rơm được mua với giá 15.000-17.000 đồng/cuộn; mỗi công máy cuộn được từ 17-20 cuộn rơm, số lượng cuộn được nhiều hay ít phụ thuộc vào máy cắt dài hay ngắn và năng suất tùy vụ, nếu lúa trúng mùa rơm thì sẽ cuộn được nhiều hơn.

Hiện nay, các mô hình trồng nấm rơm ngày càng phát triển, sau những vụ thu hoạch lúa nếp, rơm hầu như đều được thương lái thu mua. Những hộ trồng nấm, làm rẫy hay nuôi bò thu mua, phần để sử dụng ngay, phần để trữ lại làm nguyên liệu trong những tháng rơm khan hiếm, giá cao mà nguồn rơm đôi lúc không tốt…

ÁNH NGUYÊN