Nhảy sào Thụy Điển lập kỷ lục thế giới

07/08/2024 - 08:55

Ấn tượng nhất trong ngày thi đấu thứ 11 (6/8) tại Olympic Paris 2024 là cú nhảy sào lập kỷ lục thế giới của vận động viên (VĐV) người Thụy Điển Mondo Duplantis. Hai đoàn thể thao Trung Quốc và Mỹ tiếp tục bám sát cạnh tranh nhau ngôi đầu và bỏ xa đoàn xếp thứ ba. Đông Nam Á tiếp tục có thêm một Huy chương bạc (HCB) ở môn cầu lông của Thái Lan.

Cú nhảy lập kỷ lục thế giới của VĐV người Thụy Điển Mondo Duplantis.

Cú nhảy lập kỷ lục thế giới của VĐV người Thụy Điển Mondo Duplantis.

Hôm qua, VĐV người Thụy Điển Mondo Duplantis đã giành Huy chương vàng (HCV) nhảy sào, đồng thời phá kỷ lục thế giới với thành tích 6,25m. Theo mức đo cao của ban tổ chức, thậm chí nếu nâng mức xà lên 6,27m anh cũng vượt qua. VĐV 24 tuổi này từng lập đến 8 kỷ lục thế giới ở môn nhảy sào và giành HCV ở nội dung này tại kỳ Thế vận hội trước và ba lần giành HCV thế giới. Anh phá kỷ lục thế giới của chính mình, thêm 1 cm so với kỷ lục anh đã lập trước đó là 6,24m tại Giải vô địch Diamond League 2024 và bảo vệ thành công HCV Olympic.

Sam Kendricks của Mỹ giành HCB với cú nhảy cao 5,95m và Emmanouil Karalis của Hy Lạp nhận Huy chương đồng (HCĐ) cao 5,90m. Sau hai lần thất bại, Mondo Duplantis đã chinh phục được kỷ lục mới. Mondo Duplantis chia sẻ: “Không thể tin được, tôi vừa phá kỷ lục thế giới tại Olympic - sân đấu lớn nhất với bất kỳ một VĐV nào. Kể từ khi còn nhỏ, giấc mơ lớn nhất của tôi là phá kỷ lục thế giới và bây giờ tôi đã có thể làm được”.

Duplantis đã mài giũa kỹ năng của mình từ năm 3 tuổi khi cha mẹ anh lắp đặt hệ thống nhảy sào ở sân sau nhà tại Mỹ. Cha của anh cũng là một VĐV nhảy sào chuyên nghiệp thi đấu cho Mỹ, trong khi mẹ anh thi đấu bảy môn phối hợp nữ cho Thụy Điển. Họ đều là huấn luyện viên của con trai. Kể từ lần đầu tiên phá kỷ lục thế giới vào tháng 2/2020, Duplantis đã có thói quen vượt qua ranh giới của chính mình. Kỷ lục gần đây nhất của anh được thiết lập cách đây ba tháng tại Trung Quốc. Mặc dù lớn lên ở Mỹ, Duplantis đã chọn theo bước chân của mẹ mình và thi đấu quốc tế cho Thụy Điển.

* Beatrice Chebet, 24 tuổi, bất ngờ cán đích đầu tiên chung kết chạy 5.000m nữ với thành tích 14 phút 28 giây 56 để giành HCV đầu tiên của Kenya. Beatrice Chebet không được đánh giá quá cao như đồng đội của cô là Kipyegon - người đang giữ kỷ lục thế giới ở nội dung này. Sau hiệu lệnh xuất phát của trọng tài, Kipyegon nhanh chóng tăng tốc và liên tục dẫn đầu.

Sau đó, VĐV Guday Tsegay của Ethiopia và Sifan Hassan của Hà Lan cũng vươn lên mạnh mẽ. Khi chỉ còn hai vòng sân, Beatrice Chebet đã âm thầm vượt lên để rồi về nhất. Beatrice Chebet xúc động chia sẻ: “Tôi biết Kipyegon rất mạnh, nên phải cố gắng hết sức từ khoảng cách 400m cuối. Khi cô ấy bắt đầu tăng tốc, tôi quyết tâm theo đuổi với mục tiêu giành vị trí thứ hai. May mắn thay, tôi đã vượt qua cô ấy và bước lên bục cao nhất”.

* Thái Lan đã chính thức giành HCB tại Olympic nhờ công của đương kim vô địch thế giới cầu lông Kunlavut Vitidsarn ở nội dung đơn nam sau khi thua trận chung kết trước tay vợt Viktor Axelsen người Đan Mạch. Trước Thái Lan, đã có ba đoàn Đông Nam Á giành huy chương tại Olympic 2024 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Đoàn Philippines đang dẫn đầu Đông Nam Á với hai HCV thể dục dụng cụ của VĐV Carlos Yulo. Tiếp đến là Thái Lan có 1 HCB, Malaysia giành hai HCĐ đều ở môn cầu lông và Indonesisa có một HCĐ môn cầu lông. Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn Philippines dẫn đầu Đông Nam Á, hạng 50 thế giới với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Tây Ban Nha và Pháp vào chung kết bóng đá nam

Hai trận bán kết bóng đá nam tại Olympic Paris 2024 đã kết thúc rạng sáng 6/8. Mặc dù được đánh giá cao hơn, nhưng đội tuyển đương kim á quân Olympic Tây Ban Nha đã phải chật vật “lội ngược dòng” thắng sít sao 2-1 trước Maroc ở trận bán kết đầu tiên tại Olympic Paris 2024. Nửa đầu hiệp một, hai đội thi đấu thận trọng và ít có tình huống nguy hiểm, song về nửa cuối hiệp đấu, Tây Ban Nha đã tăng tốc, đẩy cao đội hình tấn công, đồng thời cũng để lộ những khoảng trống sơ hở.

Tập trung phòng ngự, nhưng Maroc chơi phản công khá hay, tận dụng được cơ hội trong một tình huống đột phá khu vực cấm để được hưởng đá phạt 11m ở phút 37 và Rahimi đã mở tỷ số. Bị dẫn trước, Tây Ban Nha dồn lên tấn công, song phải sang hiệp hai, ở phút 66, Fermin Lopez mới cân bằng được tỷ số 1-1. Phút 85, Juanlu Sanchez đột phá khu vực cấm, tung cú sút chéo góc ấn định chiến thắng, giúp Tây Ban Nha lần thứ hai liên tiếp vào chung kết tại Thế vận hội.

H Ở trận bán kết thứ hai, đội chủ nhà Pháp cũng phải rất vất vả mới đánh bại được Ai Cập sau 120 phút thi đấu. Các ngôi sao Pháp không có nhiều cơ hội trong suốt hiệp một trước đội bóng yếu hơn của châu Phi. Sang hiệp hai, Ai Cập tiếp tục “đổ bê-tông” khiến các chân sút Pháp bất lực. Thậm chí, phút 62, Mahmoud Saber đã tận dụng được sai lầm của hàng phòng ngự đối phương để ghi bàn dẫn trước cho Ai Cập.

Lúc này, đội Pháp như bừng tỉnh, nhưng họ đã để lỡ không ít cơ hội và chỉ kịp gỡ hòa 1-1 ở phút 83 do Mateta lập công. Bước vào hiệp phụ, một hậu vệ Ai Cập bị thẻ vàng thứ hai phải rời sân và không thể giữ được thế trận để Mateta ghi bàn thắng thứ hai của mình bằng đầu, nâng tỷ số lên 2-1. Đến phút 108, Olise ấn định chiến thắng 3-1 cho Pháp. Như vậy, chung kết bóng đá nam Olympic Paris 2024 sẽ là cuộc đấu của nội bộ châu Âu “cân sức, cân tài” khi Pháp sẽ gặp Tây Ban Nha vào 23 giờ đêm 9/8. Hai đội Maroc và Ai Cập sẽ tranh HCĐ vào 22 giờ ngày 8/8.

Hy vọng vào nỗ lực của VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh

Tối nay 7/8, VĐV Trịnh Văn Vinh của Việt Nam sẽ bước vào thi đấu ở hạng cân dưới 61 kg nam của môn cử tạ. Vinh là một trong hai VĐV cuối cùng của nước ta còn thi đấu tại Olympic Paris 2024. VĐV còn lại là Nguyễn Thị Hương ở nội dung đua thuyền canoeing cá nhân nữ 200m vào ngày 9/8. Nhìn vào thực lực, theo giới chuyên môn, hy vọng giành huy chương lúc này chỉ còn lại Trịnh Văn Vinh. Đây cũng là hạng cân thi đấu mở màn cho môn cử tạ tại Thế vận hội năm nay với sự tham dự của 12 VĐV.

Đối thủ chính của Trịnh Văn Vinh là các VĐV: Li Fabin (đương kim vô địch Olympic của Trung Quốc, có thành tích tổng cử cao nhất 314 kg), Hampton Morris (Mỹ, 303 kg), Sergio Massidda (Italia, 302 kg) và hai VĐV khu vực Đông Nam Á cùng có mức tổng cử 300 kg là Yuli Irawan (Indonesia), John Ceniza (Philippines).

Thành tích tổng cử cao nhất của Vinh là 307 kg lập tại SEA Games 29 năm 2017 và cũng là kỷ lục SEA Games cho đến hiện tại. Nếu tái lập thành tích này thì VĐV Việt Nam hoàn toàn có thế giành huy chương. Bước vào thi đấu tại hạng cân dưới 61 kg, Trịnh Văn Vinh đã đăng ký mức trọng lượng tạ là 303 kg (cùng bằng mức đăng ký của VĐV người Mỹ là Morris Hampton), chỉ sau mức của ba VĐV rất mạnh của Trung Quốc, Indonesia và Italia đã đăng ký cùng mức 310 kg.

Ban huấn luyện và Trịnh Văn Vinh đã tính toán kỹ khi đăng ký mức trọng lượng này bởi cần thi đấu vượt mức 300 kg mới hy vọng tranh chấp huy chương. Tại kỳ Olympic Tokyo 2020, VĐV đoạt HCĐ có mức tổng cử tốt nhất là 294 kg (ngang bằng với mức tổng cử mà Vinh đã đạt được ở World Cup cử tạ 2024 vào tháng 4 vừa qua), còn HCB là 302 kg. Trịnh Văn Vinh chia sẻ: “Tôi biết và hiểu các đối thủ vì từng đối đầu nhiều người trong số họ. Tất cả đều rất mạnh, nhưng tôi hoàn toàn tự tin và sẵn sàng nỗ lực để đạt thành tích cao nhất của bản thân” .

Theo Nhân Dân