Nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã đoạt giải vàng ở nội dung Con người/Văn hóa với tác phẩm “The Childrens Dancing With Gong” (Những đứa trẻ nhảy múa với cồng chiêng) tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) năm 2020. Ảnh minh họa: www.tokyofotoawards.jp
Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị "chân - thiện - mỹ" gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông về định hướng phát triển của nhiếp ảnh thời kỳ mới.
Chép sử bằng hình ảnh
Năm 1951, trong bức thư gửi Văn nghệ sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy". Người nhấn mạnh "…cũng như các chiến sỹ khác, chiến sỹ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh".
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ văn nghệ sỹ nói chung, nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã hòa cùng với cả nước tích cực sáng tác, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ trong tư cách người nghệ sỹ, chiến sỹ. Suốt chặng đường dài, từ những ngày đầu dựng nước, Cách mạng tháng Tám, cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước… nhiếp ảnh đã, đang là một trong những công cụ tuyên truyền đắc lực, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, được coi là loại hình nghệ thuật đặc biệt chép sử bằng hình ảnh.
Nhớ lại từng giai đoạn hào hùng của dân tộc, không khỏi tự hào có sự song hành của các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt là các thế hệ đi trước - những chứng nhân lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra trận như các chiến sỹ trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các chiến trường để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân, dân ta trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân. Có thể kể đến những hình ảnh đáng nhớ như "Xung phong" của Nguyễn Tiến Lợi; "Những khoảnh khắc lịch sử trọng đại trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945" của Vũ Năng An; "Phất cờ trên nóc hầm Đờ-cát-tơ-ri" của Triệu Đại; "Quân Pháp rút khỏi Hà Nội" của Nguyễn Đình Ưu; "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" của Đinh Đăng Định; "Chạy đâu cho thoát" của Mai Nam; "Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" của Văn Sắc; "Đấu pháo ở Dốc Miếu" hay phóng sự ảnh "Những khoảnh khắc để lại" của Lương Nghĩa Dũng; "Phúc Tân kêu gọi trả thù" của Vũ Ba; "Hiên ngang" của Vũ Tạo, "Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị" của Đoàn Công Tính, "Từ ngục tối thắng lợi trở về" của Chu Chí Thành; "Cầu người" của Văn Thính… đã khắc họa cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và khốc liệt của dân tộc ta. Những bức ảnh "Từ thần sấm xuống xe trâu" của Văn Bảo, "Uy thế không lực Huê Kỳ" của Phan Thoan, "Mẹ Suốt chèo đò", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Minh Trường, "O du kích nhỏ" của Phan Thoan, "Mẹ con ngày gặp mặt" của Lâm Hồng Long... và còn nhiều tác phẩm tiêu biểu khác được các nhà nhiếp ảnh ghi lại, như được tạc vào lịch sử, khắc họa lên hình ảnh cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, anh dũng của dân tộc ta, là di sản vô giá của đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc Hội thảo "Nhiếp ảnh về đề tài chiến tranh và cách mạng" do Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (12/1965 -12/1995) đã phát biểu: "Với mọi ngành nghệ thuật khác khi chiến tranh đi qua, người nghệ sỹ vẫn có thể mô tả lại chiến tranh qua các nguồn tài liệu tin cậy. Nhưng với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ảnh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ánh trực tiếp, sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh. Tính chân thật khách quan ấy, tôi muốn nhấn mạnh, là một cơ sở quyết định giá trị của mọi ngành nghệ thuật. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm chuyển tiếp thế hệ. Sự nghiệp nhiếp ảnh đổi mới cần phát huy những truyền thống lịch sử đúng với lịch sử để đạt được giá trị cao đối với các thế hệ ngày nay và cả mai sau".
Có thể nói, nhiếp ảnh Việt Nam đã tạo nên pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về chiến tranh chống ngoại xâm, chiến tranh vệ quốc, về đất nước, con người Việt Nam; về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Pho sử ấy không những đã làm rạng rỡ nền nhiếp ảnh Việt Nam, lớn hơn và quan trọng hơn là đã làm cho tầm vóc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam cao lớn hơn, đẹp đẽ hơn; làm cho bản lĩnh Việt Nam được khẳng định hơn trên trường quốc tế. Từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sỹ, phóng viên chiến trường đến thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới, bằng hoạt động nghề nghiệp đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ góp phần xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều nghệ sỹ, chiến sỹ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng và để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.
Nhiếp ảnh góp phần xây dựng văn hóa Việt
Thạc sỹ Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Trong lịch sử phát triển của mình, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam" với mục đích: "Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân". Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển, định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam.
Các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam đã không phụ kỳ vọng của Đảng, của Bác Hồ, đã có những đóng góp rất lớn trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và công cuộc xây dựng đất nước. Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới, hội nhập, tất cả mọi người, mọi ngành, trong đó có nhiếp ảnh phải phấn đấu rất cao mới có thể thoát khỏi tụt hậu. Với đặc thù riêng của nhiếp ảnh, vận dụng một cách sáng tạo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1998 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những năm qua, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn từ trung ương đến các địa phương nhằm khẳng định, phát huy bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của nhiếp ảnh đương đại, làm phong phú, phát triển bền vững cho nhiếp ảnh Việt Nam. Đối với Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, việc phấn đấu xây dựng một nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu chính, là công việc trước mắt và lâu dài cho mai sau. Để thực hiện nhiệm vụ trên, những người cầm máy luôn bám sát, đi sâu vào thực tế đời sống của nhân dân để phản ánh những đổi mới của đất nước, phản ánh cuộc sống mới, con người mới, tạo dựng được một nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Cùng với các hoạt động trong nước, nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn ra, hội nhập với nhiếp ảnh thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiếp ảnh là một lực lượng hội nhập quốc tế sớm và mạnh mẽ nhất, đóng góp tích cực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Từ khi Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chính thức gia nhập Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP) năm 1991, thông qua các hoạt động giao lưu nhiếp ảnh, qua việc tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi ảnh quốc tế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đã được quảng bá rộng rãi ra thế giới.
Theo bà Trần Thị Thu Đông, để lĩnh vực văn học nghệ thuật của Việt Nam phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước và khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học nghệ thuật của thế giới, cần quan tâm đến một số vấn đề như hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu. Vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ lĩnh vực này cần có lộ trình sớm để có kế hoạch đầu tư ngân sách xứng đáng, bởi mọi thành công hay yếu kém, của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đều do chất lượng đội ngũ văn nghệ sỹ quyết định.
Đối với nhiếp ảnh, bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, lực lượng nhiếp ảnh được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, chất lượng cao chưa nhiều, chưa xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới đặt ra. Đảng, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư hơn nữa để có chính sách tạo và bồi dưỡng nhân tài ở cả trong và ngoài nước, phát triển đội ngũ nhiếp ảnh kế cận trẻ cho tương lai đất nước.
Bà Trần Thị Thu Đông khẳng định, cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, các nhà nhiếp ảnh, các nhà báo ảnh, những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh càng có nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh luôn xác định, việc tạo ra tác phẩm mới và quảng bá các tác phẩm đến công chúng là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, hết sức quan trọng, thực sự hướng tới con người, góp phần làm cho tâm hồn con người đẹp lên, giàu lên bởi lòng nhân ái, vị tha. Xây dựng cho con người tình yêu quê hương đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
"Định hướng sáng tác xuyên suốt, nhiếp ảnh phải phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị "chân - thiện - mỹ" gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam", Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh.
Theo PHƯƠNG LAN (Báo Tin Tức)