Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao những nỗ lực cố gắng, thành tích của Đảng bộ và nhân dân An Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu bên lề đại hội.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thực tế khảo sát công tác phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Chợ Mới.
Lễ trao quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trao quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; ban hành Chương trình hành động 19-CTr/TU, ngày 19-4-2018 thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
4 năm qua, tỉnh thí điểm mô hình hợp nhất tổ chức, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền. Đối với cấp tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ từ năm 2019; hợp nhất Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng với Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành Đảng bộ Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh An Giang trực thuộc Tỉnh ủy; sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp tỉnh, chuyển trang thiết bị và nhân sự hiện có của Phòng khám và Quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh về Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang để tổ chức lại thành Khoa Nội A. Qua đó đã giảm được 22 đầu mối phòng, ban trực thuộc (từ 70 đầu mối còn 48 đầu mối).
Tỉnh đã giải thể văn phòng của các ban Đảng tỉnh; chuyển kế toán, quản trị, lái xe về Văn phòng Tỉnh uỷ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ. Hợp nhất Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thành Văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức; cắt giảm số lượng ban, phòng của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Kết quả, sau khi sắp xếp giảm 8 phòng chuyên môn, giảm 2 cán bộ lãnh đạo cấp phó ban và 13 lãnh đạo cấp phó phòng.
Ở cấp huyện, Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (100% đơn vị); Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ (4/11 đơn vị); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện (2/11 đơn vị); Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ (10/11 đơn vị). Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện ở 4/11 nơi; hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp ở 2/4 đơn vị, riêng TP. Long Xuyên thực hiện mô hình văn phòng chung khối Dân vận.
Ngoài những mô hình thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, An Giang còn thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở 145/156 xã, phường, thị trấn (đạt 94,23%). Mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp thực hiện thành công ở 888/888 khóm, ấp trên địa bàn. Khi Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp, nhìn chung, cán bộ hoạt động tích cực hơn, trách nhiệm hơn, qua đó nâng cao lòng tin và sự đồng thuận của cán bộ, người dân đối với cấp ủy, chính quyền. UBND tỉnh An Giang phê duyệt Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của 20 sở, ban, ngành tỉnh. Đến nay đã giảm 25 phòng, 2 chi cục, giảm 453 biên chế (tương đương 15,74%); giảm 105 đơn vị sự nghiệp đồng thời giảm 5.105 biên chế sự nghiệp (tương đương 13,14%). Sắp xếp giảm 58 ban chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban (từ 124 còn 66, đạt 53,23%).
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề án đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, theo đúng quy định. Đã sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm cấp trung gian, giảm cấp phó. Chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng cao, khắc phục được tình trạng chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ; giảm văn bản, giảm nhiều cuộc hội họp, cuộc kiểm tra, giám sát; việc phân công nhiệm vụ hợp lý, khoa học hơn.
Khi thí điểm nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, bước đầu người đứng đầu chưa tiếp cận kịp thời với khối lượng công việc, nhiệm vụ của 2 cơ quan (thời gian hội họp nhiều cùng trách nhiệm quản lý, điều hành gia tăng) nên cũng có khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai thực hiện, hạn chế này đã trở thành động lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, như: phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, có khả năng bao quát, xác định rõ vị trí, vai trò, có phương pháp điều hành khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện qua kết quả đánh giá, nhận xét hàng năm của các cấp ủy đảng đối với người đứng đầu ở các cơ quan đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” trở lên.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua kết quả thực hiện mô hình nhất thể hóa các chức danh, An Giang đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn. Một trong những vấn đề cần phải đề cập đến, như: phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao khi thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu để có sự thống nhất, quyết tâm, đồng thời có lộ trình, bước đi phù hợp trong việc triển khai thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy...
Bên cạnh đó, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện thí điểm một số mô hình phải xuất phát từ thực tiễn, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn, không nóng vội; "dễ làm trước, khó làm sau", vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm "hợp tình, hợp lý", lấy quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên làm cơ sở; vừa sắp xếp tinh gọn bộ máy nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan, đơn vị. Phải đánh giá đúng năng lực cán bộ và bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp; đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện; kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng tinh thần nghị quyết.
“Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thời gian tới, An Giang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp lớn. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức tạo sự thống nhất ý chí và hành động, trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, xác định đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chủ động có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch và phần tử cơ hội lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.
Đối với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã, giao cho huyện, thị, thành ủy xem xét, quyết định số đơn vị thực hiện ở nơi có đủ điều kiện và thực hiện ít nhất 50% trên tổng số xã, phường, thị trấn của mỗi đơn vị cấp huyện. Đối với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện và tương đương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đánh giá từng địa phương cụ thể (đặc điểm tình hình, tính chất của từng địa phương, điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ…) để tiếp tục thực hiện thí điểm. Số lượng thực hiện không quá 1/3 số đơn vị của tỉnh. Đối với mô hình hợp nhất chức danh người đứng đầu, thực hiện đối với các cơ quan có chức năng tương đồng ở khối Đảng với khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; khối Đảng với khối Nhà nước. Đối với mô hình hợp nhất cơ quan có chức năng tương đồng, thực hiện đối với các cơ quan có chức năng tương đồng trong nội bộ từng khối.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình Chính phủ số, nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng nhất để tinh giản biên chế. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ban, ngành liên quan. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí phù hợp với Đề án vị trí việc làm và tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Chương trình hành động 19-CTr/TU, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tỉnh, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc đưa An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng phát triển nhanh, bền vững.
Chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định: “Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện tích cực, góp phần tinh gọn bộ máy, tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. |
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU