Chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở An Giang - Kỳ 2: Đẩy lùi suy thoái trong Đảng

12/09/2021 - 07:00

 - Đảng ta luôn nhận thức rõ, xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, lập trường, quan điểm vững vàng, bình tĩnh, sáng suốt, không bi quan, không chủ quan, tự mãn. Chỉnh đốn Đảng nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng xứng đáng là lực lượng hạt nhân duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tăng cường công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả thì cần phải được triển khai đến tận cán bộ, đảng viên.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, lập trường, quan điểm vững vàng, hòa thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao

Khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng

Khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề bức xúc, việc cần làm ngay để tập trung giải quyết; phân công trách nhiệm, lộ trình cụ thể gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát…

Qua đó, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhận thức rõ hơn, giúp cấp ủy Đảng các cấp và từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt tự tu dưỡng, tự rèn luyện và nghiêm túc sửa chữa bản thân, khắc phục những khuyết điểm để hoàn thiện bản thân và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phần lớn các tổ chức và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành giữ vững lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, an tâm công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cấp ủy chủ động phối hợp với lãnh đạo chính quyền cùng cấp lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, phương pháp công tác; trong thực hiện nhiệm vụ chính trị để bàn biện pháp khắc phục, tạo chuyển biến rõ nét. Thực hiện Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thật sự là tấm gương sáng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, hành vi, lối sống, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương... góp phần phát huy tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, đẩy lùi một bước những biểu hiện tiêu cực được nhân dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được thực hiện nghiêm túc gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý hàng năm, nhất là những tập thể có thông tin dư luận chưa tốt sẽ được Ban Thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện gợi ý và tiến hành kiểm điểm sâu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình còn là căn cứ để xem xét, rà soát, sàng lọc những cán bộ, đảng viên không có đủ năng lực, giảm sút ý chí chiến đấu ra khỏi Đảng.

Nhìn chung, việc tự phê bình và phê bình của đảng viên trong Đảng bộ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ tự đánh giá, đánh giá đúng về ưu điểm, hạn chế của bản thân, tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị. Từ đó đề ra giải pháp để hoàn thiện bản thân; ý kiến góp ý phê bình mang tính tập trung tinh thần xây dựng, đòn kết, qua đó giúp đồng chí, đồng nghiệp nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để từ đó có lộ trình khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, như: quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm tài sản, sử dụng các nguồn quỹ và công tác cán bộ… Việc cung cấp và công bố kết quả sau kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng vi phạm, xử lý vi phạm được cấp ủy và cơ quan ủy ban kiểm tra thực hiện đúng theo quy định của Đảng.

Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2020, các cấp ủy đã kiểm tra 5.864 lượt tổ chức đảng và 188.886 lượt đảng viên (trong đó có 38.798 lượt cấp ủy viên). Giám sát 4.767 lượt tổ chức đảng và 30.507 lượt đảng viên (trong đó, có 9.911 lượt cấp ủy viên). Thi hành kỷ luật đối với 944 đảng viên (cấp tỉnh kỷ luật 41, cấp huyện kỷ luật 372, cấp cơ sở kỷ luật 257, chi bộ kỷ luật 274). Trong đó, khiển trách 487, cảnh cáo 274, cách chức 47, khai trừ 136.

Thực hiện Kết luận 71-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý tự rà soát, đối chiếu quá trình tuyển dụng của từng người so với quy định của Đảng, nhà nước. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý tự rà soát, đối chiếu quá trình tuyển dụng của từng người so với quy định. Có 274 trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức (chủ yếu từ yếu tố khách quan do nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh); quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác tuyển dụng thường xuyên thay đổi, trong khi đó đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu chưa nắm vững nên triển khai thực hiện không đúng các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác tuyển dụng. Để khắc phục dứt điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch tổ chức thi tuyển và xét tuyển theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với 274 trường hợp thuộc khối đảng, đoàn thể.

Thực tiễn cho thấy, trong xu thế toàn cầu hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước ngày càng phát triển và đạt những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tạo được uy tín, sự tín nhiệm đối với nhân dân. Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phù hợp với yêu cầu thực tế, phấn đấu xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh nên quá trình triển khai, thực hiện được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ cao.

Qua kết quả thực hiện, tỉnh nhận thấy, cần tăng cường công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả thì cần phải được triển khai đến tận cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm cấp ủy, vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên tại cơ quan, đơn vị mình. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân, gây ảnh hưởng đến uy tín Đảng, nhà nước.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc các nội dung của nghị quyết, kết luận của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp thường xuyên rà soát cán bộ, đảng viên và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cấp ủy các cấp có những đổi mới trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Nhằm tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, An Giang đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tăng cường vai trò của người đứng đầu, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ tinh thần của Nghị quyết và triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc làm gương cho cán bộ, đảng viên noi theo; nói phải đi đôi với làm; tránh tình trạng chỉ lãnh đạo, chỉ đạo còn bản thân lại thực hiện không đúng gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong học tập và thực hiện Nghị quyết Trung ương. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng thì trước hết cán bộ, đảng viên phải thật sự hiểu, nắm bắt được tinh thần của Nghị quyết. Do đó, tại chi bộ, cấp ủy cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận diện được các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời uốn nắn những cán bộ, đảng viên có tư tưởng lệch lạc, hiểu sai đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Trước hết, người cán bộ, đảng viên phải tự nhận thấy những hạn chế, thiếu sót của bản thân, phải thấy được cái sai để sửa; phải thật cầu thị, lắng nghe góp ý của người khác, soi rọi lại bản thân để khắc phục. Trong phê bình cần đi vào trọng điểm góp ý để xây dựng, để giúp cán bộ mình hoàn thiện hơn, không mang tư tưởng trù dập, đánh giá nhằm làm mất uy tín lẫn nhau.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng ở những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm; những nơi dễ xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông. Tích cực đăng các thông tin chính thống trên các báo, đài, Internet để kịp thời phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích