Người tiêu dùng cần xem kỹ bao bì sản phẩm để tránh mua nhầm hàng hóa kém chất lượng
Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng An Giang, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP đã thực hiện được trên 10 năm. Các văn bản luật, pháp lệnh làm căn cứ xây dựng nghị định này đến nay đã hết hiệu lực và đã được thay thế. Các quy định về nhãn hàng hóa (HH) trong các văn bản luật mới thay thế đã thay đổi theo hướng cụ thể, chi tiết hơn và phù hợp với thực tiễn. Qua đó có thể thấy nhiều nội dung quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP đã không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Để đáp ứng kịp thời những bất cập trên và sự phát triển của nền kinh tế đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN xây dựng một nghị định mới thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.
Nghị định số 43/2017 của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý Nhà nước về nhãn đối với HH lưu thông tại Việt Nam và HH nhập khẩu. Trong đó, nghị định quy định tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh (SXKD) HH tại Việt Nam hoặc nhập khẩu HH phải ghi nhãn cho HH, trừ một số HH quy định tại Khoản 2, Điều 1 nghị định như: bất động sản; HH tạm nhập tái xuất; HH tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; HH quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; HH trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; HH bị tịch thu bán đấu giá; HH là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; HH là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi-măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê-tông thương phẩm), phế liệu (trong SXKD) không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; HH là xăng, dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi-măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong Container, xi tec; HH đã qua sử dụng…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Huỳnh Đại An cho biết: theo quy định, nhãn HH bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên HH; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về HH; xuất xứ HH. Ngoài 3 nội dung trên, tùy theo các nhóm sản phẩm sẽ có những nội dung bắt buộc khác. Đối với nhóm hàng lương thực: định lượng, ngày SX, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có); nhóm hàng thực phẩm: định lượng, ngày SX, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, thành phần hoặc thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; nhóm đồ chơi trẻ em: thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, năm SX; nhóm vàng trang sức, mỹ nghệ: hàm lượng, khối lượng, khối lượng vật gắn (nếu có), mã ký hiệu sản phẩm, thông tin cảnh báo (nếu có)...
Với HH nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của HH. Nhãn phụ cũng được sử dụng với HH không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường, đồng thời, phải có dòng chữ in đậm “Được SX tại Việt Nam”. Nhãn HH phải được thể hiện ở vị trí dễ nhận biết; nhãn HH, kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của HH.
Có thể nói, nghị định mới ban hành bổ sung thêm nhiều quy định sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng “mập mờ” về nhãn HH của các doanh nghiệp, gây nhầm lẫn đối với người sử dụng. Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của người tiêu dùng, bằng cách đọc kỹ nhãn, mác của các loại sản phẩm. Nếu phát hiện nhãn HH ghi sai quy định hoặc ghi không đúng bản chất của sản phẩm thì gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, xử lý, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU