Bộ GD&ĐT đang soạn thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 với một số thay đổi về kỹ thuật, quy định so với trước đây. Bộ cho biết, quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm mầm non năm 2021 vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước.
Thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển; sử dụng kết quả thi, tuyển sinh riêng của một số trường, nhóm, khối trường; xét học bạ THPT và sử dụng một số kết quả chứng chỉ quốc tế (SAT/ICT); kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế để tuyển sinh.
Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, quy chế tuyển sinh năm nay sẽ có một số điều chỉnh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.
Dự kiến, năm nay, các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, không sử dụng phiếu đăng ký như các năm trước. Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật khi đăng ký.
Như các năm trước, sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất. Năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần.
Theo lý giải của đại diện Bộ GD&ĐT, việc cho phép các thí sinh điều chỉnh nhiều lần trước khi Bộ chốt danh sách nguyện vọng và chạy lọc ảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh được suy nghĩ chắc chắn, tăng khả năng đỗ vào các trường, ngành học như mong muốn. Cùng với đó, chính sách tuyển sinh của Việt Nam cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.
Vị đại diện nhấn mạnh: "Về cơ bản việc điều chỉnh nhiều lần hay một lần không gây ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển của các trường. Dù thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bao nhiêu lần thì Bộ chỉ căn cứ và chốt nguyện vọng theo lần đăng ký cuối cùng. Phương án này đã có trong lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GD&ĐT".
(Ảnh minh hoạ: T.H)
Dự thảo quy chế thi và văn bản hướng dẫn đang được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến, thời gian tập huấn quy chế, hướng dẫn thi sẽ được thực hiện trước ngày 1/4.
Song song với đó là công tác xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện theo đúng kế hoạch. Đề thi tham khảo đang được rà soát và dự kiến công bố trong tháng 3/2021.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh của năm nay mà còn chịu ảnh hưởng từ năm học lớp 11. Bởi vậy, nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông.
Từ đó, Bộ trưởng Nhạ đề nghị đơn vị chuyên môn tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề thi tham khảo cho phù hợp trước khi công bố.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý 10 vấn đề liên quan đến thi tốt nghiệp THPT 2021, gồm: nội dung chương trình thi; ngân hàng câu hỏi; bài thi tham khảo, bài thi chính thức; công tác tập huấn cán bộ coi thi, chấm thi và thanh tra; phần mềm; vấn đề tài chính; hoạt động thanh tra, kiểm tra thi; quy chế thi, ban chỉ đạo thi; vấn đề truyền thông cho kỳ thi; đối sánh kết quả thi làm tốt hơn nữa.
Những giải quốc tế được tuyển thẳng đại học?
Nhiều thí sinh thắc mắc về các loại giải thưởng quốc tế đủ điều kiện được tuyển thẳng đại học. Đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế có những cuộc thi quốc tế chỉ vài nước tham gia, độ uy tín không lớn. Do đó, thí sinh giành những giải thưởng quốc tế này không đủ điều kiện tuyển thẳng đại học.
Theo quy định của Chính phủ, những giải thưởng quốc tế được công nhận để xét tuyển đại học, cao đẳng là giải thưởng của các cuộc thi lớn, uy tín, có nhiều quốc gia tham dự và phải có quyết định phê duyệt cử đi thi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới được công nhận.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)