Nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử

13/07/2021 - 05:33

 - An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử, từ cơ sở hạ tầng đang được đầu tư xây dựng, hành lang pháp lý cho đến các hoạt động thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch... Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ phát triển thương mại điện tử của tỉnh còn khá khiêm tốn, đòi hỏi phải có những giải pháp, hành động để cải thiện các yếu tố này.

Chỉ số Thương mại điện tử được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam triển khai từ nhiều năm qua theo sự chỉ đạo của Bộ Công thương. Chỉ số này được tính dựa trên 3 trụ cột là: hạ tầng và nguồn nhân lực; giao dịch thương mại điện tử giữa DN với người tiêu dùng (B2C); giao dịch thương mại điện tử của DN với DN (B2B).

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử

Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh đang được nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Biểu hiện cụ thể qua việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng các phần mềm trong sản xuất và điều hành, như: phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng... Một số DN chủ động xây dựng website riêng và thành lập các trang mạng xã hội để tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua internet, tiếp cận với người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả, chi phí thấp nhất...

Có mặt trên thị trường hơn 15 năm, sản phẩm tương hột, nước màu của Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm của công ty hiện có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Theo đại diện Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ, các sản phẩm của đơn vị được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ thương hiệu độc quyền từ kiểu dáng cho đến mẫu mã, bao bì. Hiện nay, ngoài các đại lý, sản phẩm còn được quảng bá, bán rộng rãi thông qua các trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo hay website: thanhho.vn của công ty; các trang thương mại điện tử, như: Tiki, Shopee, Lazada…

Nhiều DN siêu thị trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chương trình bán hàng trực tuyến (online), thanh toán không dùng tiền mặt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Tại siêu thị Tứ Sơn, trong thời gian cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa và thực hiện bình ổn thị trường theo chương trình của Sở Công thương.

Ngoài ra, siêu thị còn đẩy mạnh thực hiện các hình thức kinh doanh, như: đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội Facebook, Zalo… Đồng thời, triển khai các thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử Momo, thẻ tín dụng, thẻ ATM… Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc mua sắm và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, các ngân hàng, nhà mạng viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như: ví điện tử, quét mã QRCode… đến các DN, cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng tạp hóa, các hộ tiểu thương tại chợ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Việc kinh doanh trực tuyến được các siêu thị đẩy mạnh thực hiện trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số thương mại điện tử

Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trong tỉnh còn hạn chế. Nguyên nhân là do hạ tầng và nguồn nhân lực phát triển thương mại điện tử chưa phát triển... Hầu hết là DN nhỏ và vừa, chưa có người chuyên trách về công nghệ thông tin và thương mại điện tử; nhiều DN xây dựng website nhưng chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh. Ngoài ra, việc ứng dụng các phần mềm tiên tiến trong quản lý nhân sự, kinh doanh của các DN còn hạn chế... Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ phát triển thương mại điện tử của tỉnh còn khiêm tốn, chỉ số thương mại điện tử (E-Business Index, gọi tắt là EBI) đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Để cải thiện chỉ số EBI của tỉnh, VECOM kiến nghị ngành công thương tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DN trong phát triển hạ tầng thương mại điện tử. Trong đó, tập trung hỗ trợ các đơn vị xây dựng các tên miền Internet; vận động cá nhân, DN đăng ký và sử dụng các công cụ tài chính điện tử, đặc biệt là ví điện tử...

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ DN mở rộng kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để nhiều khách hàng được tiếp cận. Đặc biệt, trong bối cảnh các hình thức quảng bá sản phẩm bị đình trệ do dịch bệnh COVID-19 như hiện nay và người tiêu dùng đang chuyển hướng sang mua sắm online.

Ngoài ra, VECOM còn đề nghị ngành công thương tỉnh có những biện pháp hỗ trợ DN, đơn vị sản xuất - kinh doanh... tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, tuyên truyền, hỗ trợ các DN tham gia vào các nền tảng xuất khẩu trực tuyến.

ĐỨC TOÀN

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh An Giang nằm trong nhóm 25 - 30 địa phương về chỉ số EBI của cả nước, đứng hạng thứ 4 của khu vực ĐBSCL.

 

 

Liên kết hữu ích