Nhiều nước Đông Âu cần cân nhắc áp đặt trở lại các hạn chế

11/11/2021 - 16:42

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng một số quốc gia Đông Âu có thể phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan cho đến khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh được cải thiện.

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Bucharest, Romania khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được tăng cường, ngày 25-3-2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 đã tăng trên toàn châu Âu do các biện pháp hạn chế được nới lỏng trong mùa Hè qua. Có một thực tế là số ca mắc gia tăng gần đây đã dẫn tới việc châu lục này trải qua đại dịch theo hai hình thái rất khác nhau. 

Tại Đông Âu, Romania và Bulgaria đều ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng hơn gấp 10 lần trong 2 tháng (tính đến cuối tháng 10 vừa qua) dù một số biện pháp hạn chế đã được áp đặt trở lại. Tỷ lệ mắc bệnh hằng ngày ở Anh cũng tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người và vẫn duy trì ở mức này trong phần lớn mùa Hè. Tuy nhiên, trong khi mối liên quan giữa số ca bệnh và số ca nhập viện dường như bị phá vỡ ở Anh, nơi có khoảng 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, thì ở nhiều nước ở Đông Âu lại không phải như vậy.  

Tại Anh, số bệnh nhân phải điều trị tại khu chăm sóc tích cực (ICU) nhìn chung không thay đổi kể từ tháng 9. Tuy nhiên, ở Bulgaria, số bệnh nhân tại ICU đã tăng gấp đôi trong cùng thời gian này, trong khi các bệnh viện tại Romania cũng đang chật vật đối phó với số bệnh nhân nhập viện gia tăng khi tỷ lệ bệnh nhân tại ICU đã tăng gấp 5 lần. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của tình trạng này là do tỷ lệ người dân được tiêm chủng thấp tại hai nước Đông Âu này. Kết quả phân tích dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho thấy chưa tới 30% dân số ở Bulgaria và Romania đã hoàn thành tiêm chủng, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình trên toàn châu Âu. 

Hiện cả hai quốc gia này đã áp đặt trở lại một số biện pháp hạn chế như bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế hoạt động tụ tập đông người, kể cả những người đã hoàn thành tiêm chủng. 

Giới khoa học cho rằng các chính phủ sẽ buộc phải tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế để giữ cho hệ thống y tế không bị rơi vào tình trạng quá tải cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện. Tiến sĩ Dimitri Diavatopoulos, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Radboud ở Hà Lan, nêu rõ nếu không tăng được tỷ lệ người dân tiêm chủng, các nước cần phải xác định việc chung sống lâu dài với các biện pháp hạn chế trong tương lai.

Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp không chỉ khiến số ca nhiễm mới tăng mà còn dẫn tới số ca tử vong do COVID-19 tăng theo. Bulgaria, nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU), ghi nhận số ca tử vong vì căn bệnh này trong tháng 10 đã tăng gấp đôi lên mức kỷ lục. Tại Romania, số ca tử vong do COVID-19 chỉ giảm xuống sau khi chính phủ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế như tạm thời đóng cửa trường học, các cửa hàng và nhà hàng. Tháng trước, khi thông báo các biện pháp hạn chế, người đứng đầu Cơ quan Khẩn cấp Romania Raed Arafat cho biết nước này đang trong tình trạng thảm họa khi nhiều người dân không chịu tiêm chủng. Trong khi đó, Bồ Đào Nha, nước có độ bao phủ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu, tiếp tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức khá thấp. 

Hiện tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở Bulgaria và Romania đang dần gia tăng sau khi chính phủ hai nước thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế mới.

Theo MINH CHÂU (Báo Tin Tức)