Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở San Luis Talpa, El Salvador, ngày 12-3. Ảnh: AFP-TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trước đó, Chính phủ El Salvador đã lên kế hoạch nối lại các hoạt động của các ngành da giày, sản xuất túi, hộp và giấy, toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ kinh doanh và giao thông công cộng vào ngày 21-7, sau khi đã hoãn lần thứ nhất vào ngày 7-7. Trong khi đó, việc nối lại các chuyến bay thương mại sẽ được thực hiện từ ngày 18-8. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thực tế khiến một lần nữa chính phủ phải điều chỉnh lại kế hoạch nói trên.
Bất chấp các biện pháp cách ly bắt buộc và hạn chế người dân đi lại, dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh tại El Salvador. Tính tới thời điểm hiện tại, quốc gia Trung Mỹ này đã ghi nhận 12.207 bệnh nhân, trong đó có 344 ca tử vong.
Còn tại Bahamas, Thủ tướng Bahamas Hubert Minnis thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Mỹ và các nước Mỹ Latinh nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Dự kiến từ ngày 22-7 tới, Bahamas sẽ nối lại các chuyến bay từ Anh, Canada và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, du khách khi đặt chân tới Bahamas phải có thị thực y tế điện tử chứng minh âm tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian gần nhất, nếu không, sẽ bị cách ly trong hai tuần và phải thanh toán mọi chi phí. Ngoài ra, lệnh cấm cũng được áp dụng đối với các tàu thương mại chở khách, các du thuyền nhỏ và máy bay tư nhân.
Bahamas, một điểm đến du lịch toàn cầu với 400.000 cư dân, vẫn đang trong quá trình tái thiết sau cơn bão Dorian năm ngoái. Chính phủ nước này đã đóng cửa biên giới từ ngày 6-4 nhằm đối phó với dịch COVID-19 và từ khi mở cửa trở lại vào ngày 1-7, nước này đã xác định 49 trường hợp nhiễm mới. Tính tới thời điểm hiện tại, Bahamas ghi nhận 153 ca bệnh và 11 ca tử vong.
Trong khi đó, Brazil vẫn là điểm nóng của dịch COVID-19. Thống kê của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 20-7 cho thấy số ca tử vong tại nước này do COVID-19 đã vượt ngưỡng 80.000 người, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong ngày 20-7, Brazil đã ghi nhận thêm 632 ca tử vong. Con số này đã tăng chóng mặt, gấp 4 lần chỉ trong 2 tháng. Mới đây nhất, quốc gia Mỹ Latinh này đã ghi nhận số bệnh nhân tử vong cao kỷ lục - hơn 1.000 người chỉ trong 24 giờ. Hiện hơn 2,1 triệu người dân Brazil đã mắc COVID-19 trong tổng dân số lên tới 212 triệu người.
Cùng ngày, Brazil thông báo thêm hai thành viên trong nội các của Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đó là Bộ trưởng Giáo dục Milton Ribeiro và Bộ trưởng phụ trách vấn đề công dân Onyx Lorenzoni Như vậy, hiện đã có 4 thành viên trong Chính phủ Brazil mắc COVID-19, trong đó có Tổng thống Bolsonaro đang được điều trị cách ly tại tư dinh.
Trước thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp châu Mỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại về an toàn của cộng đồng thổ dân tại đây.
Trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, ông thông báo đến đầu tháng 7 này, đã có hơn 70.000 người thổ dân tại châu Mỹ mắc COVID-19, trong đó có 2.000 người đã tử vong. Theo người đứng đầu WHO, hiện có tới 500 triệu người thổ dân sinh sống tại hơn 90 quốc gia và đây là cộng đồng cư dân phải đối mặt với tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, suy dinh dưỡng và bệnh tật. Những khó khăn này khiến họ càng dễ bị tổn thương trước đại dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh truy dấu người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn COVID-19 trong nhóm cư dân này cũng các cộng đồng cư dân khác.
Theo Báo Tin Tức